A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật an ninh năng lượng đô thị Việt Nam

UBND thành phố phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam vừa tổ chức Lễ khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng. Theo đó, dự án triển khai 4 công nghệ năng lượng sạch phân tán có tiềm năng tác động mạnh mẽ cho thành phố, bao gồm: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trạm sạc xe ô tô điện, điện mặt trời trên mái nhà, phát điện sử dụng chất thải rắn.

Tham dự buổi lễ có Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Ann Marie Yastishock, Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương và đại diện các sở ban ngành.

Đà Nẵng nằm trong vành đai xích đạo với 2.200 giờ chiếu sáng mỗi năm, do đó có tiềm năng rất lớn cho năng lượng tái tạo với ước tính 1.140MW điện mặt trời. Nhận thức được nhu cầu và tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn, UBND thành phố đã khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Định hướng này cũng phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng, trong đó thúc đẩy mạnh mẽ năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, thể hiện nhận thức về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng do USAID tài trợ gần 2,8 triệu USD, với mục tiêu hỗ trợ Đà Nẵng cải thiện môi trường chính sách ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; huy động nguồn lực Nhà nước và tư nhân đầu tư vào các hệ thống năng lượng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập quán, mô hình kinh doanh và đầu tư sáng tạo trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến.

Theo đánh giá thị trường của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng do USAID tài trợ, Đà Nẵng được xếp hạng thứ 3 về tiềm năng giúp dự án đạt hiệu quả trong cải thiện khung pháp lý liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và thúc đẩy các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của dự án tập trung vào 5 giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng và môi trường đô thị được thí điểm hoặc ứng dụng.

"Dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng" đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công thương trong sáng kiến "Triệu mái nhà xanh". Sáng kiến này thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các giải pháp xanh, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, khả năng cung cấp điện mặt trời lắp mái là 256.594 MWh, tương ứng 93,5 MW, chiếm 3,62% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố. Đến năm 2035, khả năng cung cấp điện mặt trời lắp mái là 649.111 MWh, tương ứng với tổng công suất lắp đặt là 236,6 MW, chiếm 4,57% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố.

Theo ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ - Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công thương): “Lĩnh vực mà dự án hoạt động mang lại nhiều kết quả thiết thực. Dự án đã và đang hỗ trợ Sở Công thương rất nhiều về mặt chuyên môn kỹ thuật, giúp cho công tác quản lý nhà nước. Chúng tôi đánh giá cao cam kết của Dự án trong việc hỗ trợ Đà Nẵng triển khai năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả trong tương lai.”

Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đang tăng tới 10% hàng năm, đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng các công nghệ năng lượng sạch và hiện đại để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường, đồng thời cung cấp dịch vụ điện cho hơn 20 triệu hộ gia đình. Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, trong thời gian tới, USAID và Chính phủ Việt Nam sẽ triển khai hợp tác xây dựng các quy định và tiêu chuẩn đối với điện mặt trời áp mái hay sạc pin cho các loại xe điện, tạo thuận lợi cho trao đổi kỹ thuật và thiết lập mạng lưới chuyên gia để thúc đẩy việc sản xuất 400 MW điện năng lượng tái tạo và đạt chỉ tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Dự án cũng hướng tới mục tiêu huy động 600 triệu USD đầu tư mới để khắc phục những thách thức quan trọng trong tài chính cho năng lượng sạch, bằng cách xây dựng các quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo. Từ đó, tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng phát triển năng lượng về những cách tiếp cận tốt nhất nhằm góp phần cải thiện an ninh năng lượng tại Việt Nam.

USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công Thương TP. Đà Nẵng để triển khai các chiến lược này, trong đó bao gồm:

1/ Thành lập nhóm làm việc về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ Sở Công Thương cũng như Công ty Điện lực trong việc cải thiện khả năng thích ứng năng lượng đô thị và an ninh năng lượng.

2/ Thành lập Giải thưởng về Hiệu suất năng lượng để chính quyền thành phố ghi nhận những doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

3/ Thực hiện một nghiên cứu đánh giá các quy định, chính sách và cơ chế ở cấp quốc gia và cấp địa phương để triển khai và thực thi Kế hoạch Hành động sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030.

Trong 5 năm qua, USAID đã cam kết hơn 40 triệu đô la hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và dự định sẽ cam kết thêm 36 triệu đô la trong 5 năm tới./.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website