Cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh – Nâng cao giá trị thương hiệu Ngọc Linh Kon Tum
Vừa qua (ngày 16/8), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức trao Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho 2 công ty trên địa bàn tỉnh.Đây là lần đầu tiên tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận này đối với sâm củ Ngọc Linh.
Theo đó, Công ty CP sâm Ngọc Linh, Kon Tum được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho 10.000 sâm củ với độ tuổi lớn hơn 10 năm tại lô 3, khoảnh 2, tiêu khu 220 thuộc xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Mã số chỉ dẫn địa lý là C0001-SNLKTG.
Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Kon Tum được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho 2.200 sản phẩm sâm củ độ tuổi lớn hơn 6 năm tại lô 17b, khoảnh 5, tiểu khu 227 thôn Mo Za, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông.
Ông Huỳnh Trung Kim, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị 2 công ty sau khi được cấp giấy chứng nhận phải gắn tem chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm sâm củ Ngọc Linh; lập sổ theo dõi, ghi lại lịch sử khai thác sâm củ để phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như tem chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm chế biến từ sâm củ, công ty phải làm hồ sơ nộp Sở Y tế để xin cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Tem chỉ dẫn địa lý sẽ do Hội Dược liệu tỉnh quản lý, cấp cho các doanh nghiệp theo yêu cầu. Trước mắt là cấp, hậu kiểm sau. Khi có nghi ngờ, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu kiểm định, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Quản lý, sử dụng tốt chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cũng như nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum sẽ tạo điều kiện phát triển sâm Ngọc Linh. Đây là cách để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của Cục Sở hữu trí tuệ, Kon Tum có vùng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" trải dài tại 9 xã của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp thuộc huyện Đăk Glei; Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông).
Hiện, tỉnh Kon Tum có khoảng 1.750 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, trồng mới 508 ha, chủ yếu của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô; diện tích dược liệu khác xấp xỉ 5.120 ha, đạt 109,8% kế hoạch (trong đó trồng mới gần 2.500 ha, đạt 122,8% kế hoạch).
Thời gian qua, để phát triển Sâm Ngọc Linh trở thành hàng hoá chủ lực góp phần nâng cao đời sống của người dân, đóng góp ngày càng tăng vào tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Trên cơ sở đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum ban hành đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án xác định rõ định hướng: Phát triển bền vững Sâm Ngọc Linh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội để phát triển. Phát triển Sâm Ngọc Linh theo chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn chế biến sâu với tiêu thụ sản phẩm. Phát triển Sâm Ngọc Linh gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn miền núi, góp phần tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm quốc gia (GRDP) và gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với tầm nhìn chiến lược phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) theo hướng bền vững gắn với quản lý bảo vệ diện tích rừng tự nhiên; các sản phẩm chế biến từ sâm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia Sâm Việt Nam; đưa ngành sản xuất và chế biến Sâm Việt Nam (Sâm Ngọc Linh) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển kinh tế bằng cây Sâm Việt Nam. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025 trồng mới 4.500 ha Sâm Ngọc Linh, định hướng đến 2030 trồng mới 10.000 ha, phấn đấu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.