Kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Tạo cơ hội sản phẩm đặc sản, OCOP vào hệ thống kênh phân phối
Kênh xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả cho việc triển khai mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn cho thị trường trong nước. Chương trình Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức tại TP Đà Nẵng vừa qua chính là cơ hội tốt cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP miền Trung – Tây Nguyên có thể tìm cách vào hệ thống các kênh phân phối, chuỗi siêu thị…
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại
Nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương hiện đang nhanh chóng xây dựng và chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các ngành hàng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chương trình "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2023, được phối hợp tổ chức giữa cơ quan trung ương và các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên theo tinh thần đổi mới phương thức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia, thích ứng với tình hình nền kinh tế dần phục hồi.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng chính trị trên thế giới và tác động hậu Covid – 19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển thị trường ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức xúc tiến thương mại khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục như Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công các Chương trình Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Chương trình Kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức tại Đà Nẵng giúp các doanh nghiệp miền Trung và Tây Nguyên kết nối, trao đổi, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến trên 35.000 lượt khách trong nước và quốc tế.
Từ những kết quả trong công tác xúc tiến thương mại vừa qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2023 là hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và Quốc tế. “Hội nghị kết nối giao thương sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thị Ý Nhi – Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (Đà Nẵng) cho rằng các chương trình kết nối của ngành Công Thương, của chính quyền mỗi địa phương thực hiện là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Để sản phẩm đặc sản, OCOP miền Trung – Tây Nguyên vào hệ thống phân phối
Tại sự kiện, chủ đề về Kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương thông qua kênh phân phối trong nước và kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương vào hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài được các diễn giả thảo luận khá sôi nổi. Đại diện những nhà bán lẻ, kênh phân phối hàng đầu Việt Nam đã có những chia sẻ và “mách nước” cho sản phẩm đặc sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP miền Trung – Tây Nguyên đi vào hệ thống các kênh phân phối, chuỗi siêu thị.
Ông Paul Lê – Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, phụ trách xúc tiến thương mại đánh giá cao những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của Việt Nam nói chung, miền Trung – Tây Nguyên nói riêng bởi những sản phẩm này mang tính truyền thống, có tính lịch sử, kế thừa. Tuy nhiên, điểm yếu của các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu miền Trung - Tây Nguyên đó là chưa kể được câu chuyện về sản phẩm. “Phải kể được câu chuyện về sản phẩm đó cho khách để người ta mua sản phẩm nhưng cũng biết đến lịch sử, văn hóa của địa phương”, ông Paul Lê nói và cho biết các kênh phân phối không chỉ mang sản phẩm chất lượng của thế giới đến Việt Nam đó là mang sản phẩm Việt Nam ra thế giới và Central Retail sẽ hỗ trợ nông dân Việt Nam bán sản phẩm cũng như đưa sản phẩm ra thế giới.
Còn ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc điều hành toàn quốc siêu thị Winmart – Công ty WinCommerce thì cho biết WinCommerce luôn ưu tiên và chủ động đến từng địa phương để tìm kiếm sản phẩm mới, kết nối để đưa những đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền vào hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị. Trên thực tế, nhiều sản phẩm miền Trung – Tây Nguyên hiện là sản phẩm chủ lực tạo doanh số cho nhiều siêu thị của WinCommerce.
Theo ông Tuấn, ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung khi đưa hàng vào tất cả các siêu thị như đảm bảo về vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm, công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; thì WinCommerce đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp có định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng, có chiều sâu chất lượng, chủ động trong công tác marketing.
Trong khuôn khổ chương trình kết nối giao thương, còn có khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của 15 địa phương với sự tham gia trưng bày của hơn 300 nhà cung cấp, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa phương: Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, được tổ chức từ ngày 11-5 đến ngày 14-5, dự kiến thu hút 12.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan và giao dịch.