A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam – Trung Quốc

Ngày 27/11 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại Trung Quốc (CCPIT) tổ chức “Hội nghị xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam-Trung Quốc” nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Sự kiện nhận sự quan tâm tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ đại diện chính quyền, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp hai nước.

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt trên 175 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

“Cục Xúc tiến thương mại đã và đang chủ động phối hợp cùng với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, CCPIT Trung Quốc tại Trung ương và địa phương tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch và làm việc tại các địa phương và Hội chợ tại Trung quốc để kết nối giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam”- ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ.

Trong năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ sáu trong tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm; thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc. Trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 103 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Về đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và chủ yếu tập trung tại các tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.

Triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tại Hội nghị, ông Xu Jinli - Trưởng ban Hợp tác Song phương của CCPIT - nhấn mạnh, Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ 4 của Trung Quốc trong khối ASEAN, từ các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, sắt thép đến các lĩnh vực mới nổi như thông tin điện tử, năng lượng mới, kinh tế xanh, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, một loạt các dự án mang tính tiêu biểu đã được thực hiện. Thực hiện vai trò chức năng của mình, Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc đã và đang thúc đẩy trao đổi hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với nước ngoài, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Trung quốc phản ánh lợi ích và nhu cầu đối với các tổ chức quốc tế trong đó có Việt Nam.

Cũng tại hội nghị, bà Ye Yan – Giám đốc Ban các vấn đề ASEAN, Ban Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) đã có những chia sẻ về chuyên đề tình hình và triển vọng hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Theo bà Ye Yan, giải pháp để thúc đẩy hợp tác song phương kinh tế và đầu tư giữa hai nước là tích cực phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến thương mại, thúc đẩy các kênh hợp tác công nghiệp. Bên cạnh đó khai thác tối đa lợi thế biên giới và thúc đẩy hợp tác công nghiệp xuyên biên giới của địa phương. Hai bên sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại Trung Quốc – Việt Nam, xây dựng cảng thông minh, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Đồng thời đạt được sự đồng thuận tích cực chung về đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng và các vấn đề khác, đi sâu và mở rộng các kết quả hợp tác, xây dựng cộng đồng chung có cùng sứ mệnh.

Ngoài ra, theo bà Ye Yan cần tích cực triển khai hơn nữa những nhận thức chung quan trọng đã đạt được của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Ngay sau hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các hoạt động kết nối giao thương B2B trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, ước tính có hơn 150 lượt giao dịch đã diễn ra.


Tác giả: Huy Dương

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website