A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú

Ngày 30/9/2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4287/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00110 cho sản phẩm tôm sú “Cà Mau”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tôm sú Cà Mau là sản phẩm có từ lâu đời, ngay từ thời khai hoang, thành lập tỉnh việc sản xuất sản phẩm tôm sú làm thức ăn đã diễn ra. Từ đầu thế kỷ 19, hoạt động đánh bắt khai thác tôm sú đã bắt đầu hình thành. Hoạt động nuôi tôm sú được phát triển từ những năm 1980, với khả năng thích nghi và phát triển tốt, quy mô sản xuất ngày càng tăng. Ngày nay, tôm sú Cà Mau đã trở thành món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đi đến với tỉnh Cà Mau, sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau không chỉ được bán tại tỉnh Cà Mau mà còn phân phối đến các tỉnh trong cả nước, xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Tôm sú Cà Mau được người tiêu dùng lựa chọn vì hàm lượng dinh dưỡng khá cao, về chất lượng, tôm nhiều thịt, ngọt và chắc, khi ăn có mùi thơm đặc trưng. Đây là món ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng một cách hiệu quả, tốt cho hệ tim mạch, phát triển trí tuệ và thị lực, giúp ngăn ngừa bệnh về xương.

Tôm sú nguyên liệu Cà Mau có vỏ dày, cứng và sáng bóng, khi ăn có độ dai thịt, ngọt và đậm. Trọng lượng tôm sú nguyên liệu Cà Mau dao động từ 39,70 - 54,90 gam/con, hàm lượng Protein thô 19,13- 23,32%, hàm lượng muối 3,3 - 4,9 g/kg, hàm lượng đường 0,44 - 1,89 g/kg.

Tôm sú chế biến Cà Mau khi ăn có độ dai thịt, ngọt và đậm. Tôm sú chế biến Cà Mau có hàm lượng Omega 3 ở mức 0,05 - 0,1 g/100g, hàm lượng Omega 6 ở mức 0,04 – 0,08 g/100g, hàm lượng muối ở mức 0,3 - 0,51%.

Chất lượng của tôm sú Cà Mau có được là nhờ vào những điều kiện tự nhiên đặc thù cũng như phương pháp sản xuất của người nuôi tôm tại khu vực địa lý.

Môi trường nước có vai trò rất quan trọng đến sinh trưởng và phát triển của tôm sú. Cà Mau với địa hình nhô ra ở biển Đông, không gần các cửa sông lớn đổ từ thượng nguồn nên nguồn nước ở Cà Mau không bị ô nhiễm như các khu vực khác, không bị hiện tượng ngọt hóa, làm thay đổi độ mặn của môi trường nuôi. Ao đầm nuôi tôm sú Cà Mau có độ mặn trung bình 23,34 ‰, độ pH trung bình 7,74, hoàn toàn phù hợp cho tôm sú sinh trưởng và phát triển, giúp tôm lột xác dễ dàng và nhanh cứng vỏ. Ngoài ra, động thực vật thủy sinh tại vùng nuôi tôm sú Cà Mau có số lượng nhiều, đa dạng về ngành: Số lượng cá thể động vật thủy sinh là 4.500 – 1.126.333 cá thể/m3; Số lượng cá thể thực vật thủy sinh là 1.138 – 9.833 cá thể/m3. Số lượng cá thể và chủng loại các động thực vật thủy sinh này lớn sẽ ảnh hưởng tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển cho tôm sú, bởi các loài động vật này là thức ăn cho tôm.

Do tập tính sinh sống của tôm sú, trong giai đoạn trưởng thành, tôm sú sống ở mặt đáy ao nên các yếu tố liên quan đến đáy bùn ao cũng có ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng sản phẩm tôm sú Cà Mau. Độ pH trong bùn đáy ao nuôi tôm sú Cà Mau dao động từ 6,93 – 8,08, hàm lượng Kali tổng số ở mức cao từ 5.202,6 – 9.430,8 mg/kg, hàm lượng sắt (Fe) thấp từ 38,8 – 52,3 g/kg, hàm lượng NH3 thấp ở mức 14,82 – 35,98 mg/kg, hàm lượng H2S thấp ở mức 0,76 – 82,19 mg/Kg.

Từ xa xưa và nhất là từ năm 1980 khi nghề nuôi và khai thác tôm sú Cà Mau bắt đầu phát triển mạnh đến nay, thì tôm sú Cà Mau vẫn luôn giữ được danh tiếng và chất lượng của mình nhờ phương pháp sản xuất được duy trì từ xưa đến nay. Phần lớn giống tôm sú là giống tự nhiên, do các con tôm bố mẹ di cư từ biển vào các vùng nuôi tôm của hộ dân và sinh sản, cũng như các loại tôm sú nhỏ di cư từ biển vào sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra người nuôi còn thả bổ sung con giống được sản xuất trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 

Trong quá trình nuôi tôm, người nuôi không bổ sung bất kỳ nguồn thức ăn công nghiệp nào mà chủ yếu là nguồn thức ăn đến từ tự nhiên. Xung quanh ao đầm nuôi tôm được bố trí các loại cây ngập mặn như Đước, Sú, Vẹt…Trong số đó phổ biến nhất là cây Đước. Cây Đước có tác dụng che chắn ánh nắng, phần rễ cây Đước tạo chỗ trú ẩn cho tôm sú, đồng thời, khi lá Đước rơi xuống ao phân hủy và tạo ra nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm sú, đồng thời lá Đước trong ao có thể giúp tôm lẩn tránh sinh vật ăn mồi.

Tôm bột, tôm giống và tôm gần trưởng thành có tập tính sống gần bờ biển và rừng ngập mặn ven bờ. Khi tôm trưởng thành, theo tập tính, tôm sẽ di chuyển ra biển, bởi chúng thích sống tại vùng nước sâu, có độ trong cao và độ mặn ổn định hơn. Lợi dụng tập tính này, người nuôi tôm sẽ tiến hành thu hoạch tôm vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch (± 2 ngày). Đây là thời điểm triều cường lớn nhất trong tháng. Khi thủy triều dâng cao, người dân mở các cửa cống ở ao đầm nuôi để lấy nước từ biển vào, tại trước mặt cống, đặt các lưới lọc thô để ngăn rác thải Khi mực nước trong ao đầm lên cao đến đỉnh điểm thì tiến hành đóng cửa cống. Sau khi đã lấy nước vào, đầm, ao nuôi được tháo nước (thời điểm tháo nước phụ thuộc vào lúc thủy triều rút) để đổ ra các sông ngòi, cửa biển thông qua hệ thống cống xả. Tại vị trí cống xả người ta đặt các lưới để bắt tôm. Do tập tính di chuyển nên chỉ có những con tôm trưởng thành mới theo dòng nước đi ra và vào trong lưới. Như vậy, việc khai thác tôm sú chủ yếu là dùng phương pháp truyền thống chứ không dùng lưới đánh trực tiếp từ đầm, ao nuôi. Sau khi thu hoạch, tôm sú được ướp đá và vận chuyển về khu vực chế biến trong vòng 24 giờ.

Khu vực địa lý: Gồm các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Cà Mau, cụ thể:

- Thị trấn Rạch Gốc và các xã Đất Mũi, Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Tân Ân, Viên An Đông, Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển;

- Thị trấn Năm Căn và các xã Đất Mới, Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Lâm Hải, Tam Giang, Tam Giang Đông thuộc huyện Năm Căn;

- Thị trấn Cái Đôi Vàm và các xã Nguyễn Việt Khái, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thuận, Rạch Chèo, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng thuộc huyện Phú Tân;

- Thị trấn Đầm Dơi và các xã Ngọc Chánh, Nguyễn Huân, Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, Tạ An Khương, Tạ An Khương Đông, Tạ An Khương Nam, Tân Dân, Tân Đức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Tiến, Tân Trung, Thanh Tùng, Trần Phán thuộc huyện Đầm Dơi;

- Thị trấn Cái Nước và các xã Đông Hưng, Đông Thới, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thạnh Phú, Trần Thới thuộc huyện Cái Nước;

- Thị trấn Sông Đốc và các xã Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc thuộc huyện Trần Văn Thời;

- Các xã Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Bắc thuộc huyện Thới Bình;

- Phường Tân Thành và các xã An Xuyên, Định Bình, Hòa Tân, Hòa Thành, Tắc Vân, Tân Thành thuộc thành phố Cà Mau./.


Nguồn:Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế Copy link

Tin nổi bật

Liên kết website