Bước chuyển mình của thương hiệu Việt tại thị trường nội địa
Quá trình đi khảo sát thực tế và điều tra dư luận xã hội cho thấy, Cuộc vận Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được đánh giá là đạt được kết quả quan trọng, trong đó có phần đóng góp của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động.
Nhận định về những kết quả của Đề án trong thười gan qua, ông Trần Văn Sinh – Trưởng Ban Phong trào – Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, ngay trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có những giai đoạn rất nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu khẩu trang. Nhưng ngay lập tức, các doanh nghiệp đã vào cuộc sản xuất để cung ứng cho thị trường nội địa.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội đã nhận được rất nhiều khẩu trang do các đơn vị trao tặng để cung cấp cho những nơi trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời hỗ trợ cho một số quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó chính là một trong những điểm sáng, cho thấy tính tự chủ và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước, ông Trần Văn Sinh cho biết thêm.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, 16+ thì hầu như không địa phương nào thiếu hàng hoá, hoặc nếu có thì chỉ xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn hoặc do chúng ta phong tỏa thì việc vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác gặp khó khăn. Đây là minh chứng khẳng định sự chủ động chiếm lĩnh thị trường của hàng hoá Việt Nam, cũng là thành công của Đề án phát triển thị trường nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020, đặc biệt trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian qua đã tạo ra được những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất cho đến tiêu dùng, từ các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương… Đây được coi là nền tảng để có thể triển khai được những hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong 4 đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 cho tới nay.
Hơn thế nữa, theo bà Lê Việt Nga, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò tiên phong trong kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, hàng sản xuất trong nước bị thừa do không thể xuất khẩu được trong những giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Đáng lưu ý, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính. Đồng thời, phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.
Hơn nữa, bản thân các doanh nghiệp đã nhận thức được việc cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; chủ động tham dự vào các sự kiện lớn về quảng bá hàng Việt Nam để quảng bá nhiều hơn cho hàng hóa trong nước tới người tiêu dùng trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại hay cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Sinh cũng cho rằng, trong thời gian qua, việc quảng bá, giới thiệu những thương hiệu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng đến gần với thị trường 100 triệu dân vẫn còn một số hạn chế. Nhiều sản phẩm Việt có chất lượng, giá phải chăng nhưng không phải ai cũng biết đến để mua và sử dụng. Bên cạnh đó, việc xử lý những vụ việc hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn hạn chế.
“Đáng mừng là thời gian gần đây, những việc này đã được khắc phục và doanh nghiệp đã ý thức được việc đưa hàng hoá có chất lượng đến người dân, song vấn nạn hàng nhái hàng giả vẫn còn tồn tại nhiều ở trên thị trường. Đây là điểm cần phải khắc phục trong thời gian tới”, ông Sinh nhất mạnh.
Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp phải phải thích ứng, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển, lựa chọn những phân khúc riêng cho mình. Bên cạnh đó, chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước nhấn mạnh là rất chú trọng phát triển thị trường nội địa. Nhưng để phát triển thị trường nội địa thì phải nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm để chinh phục thị trường. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa cho thị trường nội địa để sản xuất ra các sản phẩm thật sự chất lượng, có sức cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng.
Vào tháng 3 năm 2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động Người Việt Nam trong cuộc vận động này. Trong Chỉ thị 03 của Ban Bí thư cũng ghi rõ là đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Không chỉ trong tiêu dùng cá nhân mà kể cả việc sử dụng nguyên vật liệu, mua sắm tài sản công cũng phải ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nếu có chất lượng tương đương với hàng ngoại nhập. Điều này cũng khẳng định thêm rằng, dù ưu tiên dùng hàng Việt Nam song giai đoạn tới, hàng Việt Nam phải ngày càng khẳng định được chất lượng để chinh phục được thị trường Việt Nam.