Chắp cánh cho vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới
Với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới, Ngày 16/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” và khai trương triển lãm số cùng chủ đề.
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Tại vùng vải thiều lớn nhất cả nước Bắc Giang, diện tích trồng vải ước tính là 28.300 ha với sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn. Trong đó 100% diện tích trồng vải được hai tỉnh này định hướng theo quy trình sản xuất sạch an toàn.
Theo đó, diễn đàn và triển lãm số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” được thực hiện với mục tiêu thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới, từ đó tạo điều kiện cho bạn bè thế giới dễ dàng biết và tiếp cận thuận tiện hơn với vải thiều Việt Nam. Sự kiện do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với báo VnExpress thực hiện.
Vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Sản lượng của nông sản nổi tiếng này lớn trong thời gian thu hoạch ngắn khiến yêu cầu kết nối giao thương, mở rộng thị trường sẵn có tìm kiếm thị trường mới, làm đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi. Cùng với đó, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều để gia tăng thị trường của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu.
Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việt Nam là xứ sở nhiệt đới, bốn mùa đều có hoa thơm và trái ngọt, trong đó, vải thiều từ lâu không những đã trở thành món ẩm thực đặc sản được nhiều khách phương xa hâm mộ mà còn là sứ giả của hòa bình và hữu nghị, từng được lựa chọn như một vật phẩm đặc sắc để phục vụ các hoạt động bang giao quốc tế.
Tại diễn đàn, các tham luận được đại diện các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang trình bày mang đến thông tin hữu ích về định hướng vùng trồng vải an toàn tại các địa phương, cũng như các giải pháp để hiện thực hóa mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều.
Hiện nay, sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà đã quả vải thương hiệu Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)... đã được xuất trên 30 quốc gia vùng lãnh thổ. Tuy nhiên để có được sản phẩm vải thiều là chất lượng vào các thị trường yêu cầu cao mà Việt Nam vẫn thường cho là "thị trường khó tính" đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín trong công tác lựa chọn thổ nhưỡng chăm sóc cây trồng và chế biến tiêu thụ.
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương chia sẻ, vải thiều là cây trồng có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh Hải Dương, đã góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng trong nước và quốc tế; sản phẩm đã được xuất khẩu hơn 20 nước, trong đó có một số thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ vải thiều Hải Dương còn gặp nhiều thách thức.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, tỉnh Bắc Giang duy trì xuất khẩu sản phẩm quả vải tươi và vải thiều chế biến. Năm 2021, thị trường xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm khoảng 41,4% sản lượng). Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao. Đến hôm nay, số vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ khoảng 25.000 tấn; trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; thị trường xuất khẩu là Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia...
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hợp tác xã trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu vải đã cùng thảo luận về quy trình trồng trọt và chăm sóc vải thiều ngon và sạch, phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều trong phiên tọa đàm chủ đề "Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam".
Chia sẻ về tiềm năng phát triển thị trường cho trái vải, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường chiếm 91% kinh ngạch xuất khẩu vải thiều Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE... Tại đây, chúng ta cũng đã phát triển và từng bước tạo nên thương hiệu nhất định. Hay thị trường Pháp và Séc cũng rất có triển vọng phát triển công tác xuất khẩu vải thiều. Ngoài ra, Việt Nam còn có một số thị trường đứng đầu trong chuỗi cung ứng (hub) như Hà Lan, Đức, UAE. Trong đó UAE là điểm bắt buộc đi qua để đến các thị trường khác trong khu vực Trung - Đông.
Theo các chuyên gia, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng vào các thị trường yêu cầu cao, hay còn gọi là thị trường “khó tính” đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín từ khâu lựa chọn thổ nhưỡng, chăm sóc cây trồng đến chế biến và tiêu thụ.
Bên cạnh vấn đề quan trọng là đảm bảo an toàn, chất lượng cho quả vải, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đảm bảo thời gian thu hoạch, vận chuyển về nhà máy nhanh nhất để đảm bảo độ tươi của vải, thường thu hoạch vào sáng sớm, ngay sau khi thu hoạch sẽ đưa vào đóng gói, chế biến để giữ nguyên độ tươi ngon.
Ngay sau các tham luận được trình bày tại diễn đàn, triển lãm số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” được khai mạc tại địa chỉ http://vaithieuexpo.vnexpress.net/. Triển lãm số giới thiệu tới các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các đơn vị đồng hành cùng chương trình về sản phẩm vải thiều nói riêng và một số sản phẩm nông sản khác nói chung.