A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng Nai tiến hành khảo sát ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Đồng Nai (Ban chỉ đạo 264 tỉnh) vừa có kế hoạch Khảo sát ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Cuộc khảo sát lần này nhằm đánh giá khách quan, trung thực về nhận thức, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với Cuộc vận động. Trên cơ sở kết quả của cuộc khảo sát, xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất những cơ chế, chính sách để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo đó, Thường trực Ban chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tiến hành phân bổ 3.500 phiếu khảo sát dành cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh  trong quý II, III năm 2022.

Nội dung khảo sát gồm: công tác tuyên truyền về triển khai cuộc vận động ở địa bàn dân cư; đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phân phối, kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử… của doanh nghiệp, nhà sản xuất hàng Việt Nam. Hình thức tiếp cận thông tin về sản phẩm, hàng hóa và hình thức thanh toán khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa; tâm tư, nguyện vọng của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thị trường…

Trước đó, vào tháng 3/2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ký ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.

Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

- Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp; mở rộng các kênh phân phối hàng Việt, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; Quyết định số 1157/QĐ-TTg, ngày 12/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025.

- Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong tỉnh, trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng,, giá cả hàng hóa Việt Nam.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép. Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu, uy tín đã tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện Cuộc vận động phù hợp với Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg, ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh, Ban Vận động Cuộc vận động cấp huyện; thành lập Ban Vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp xã, phường, thị trấn. Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập; Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ban Vận động Cuộc vận động ở địa phương do cấp ủy cùng cấp ra quyết định thành lập; tùy theo đặc điểm của địa phương, Trưởng Ban Vận động có thể là phó bí thư cấp ủy hoặc thường vụ cấp ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.


Tác giả: Hà Lê

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website