A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối nhiều đặc sản vùng, miền vào hệ thống phân phối

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… kết nối hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Là đơn vị chủ trì Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, Bộ Công Thương xác định giai đoạn 2021-2025, dựa theo Quyết định 1162/QĐ-TTg, sẽ có nhiều điểm mới; trong đó, có huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu đặc sản; kết nối tiêu thụ; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế...

Tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc… và còn rất nhiều các sản phẩm khác đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Những hoạt động đa dạng, phong phú, liên tục của chương trình đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống chính sách, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ hàng hóa, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương, tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…

Ngoài ra, chương trình còn mang ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi,vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra: Mặc dù đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại miền núi và hải đảo nhưng những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, đã tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động; trong đó, lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình, đề án, gồm: Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Để tạo hiệu ứng lan toả, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hảo đảo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao cho các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhất là ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website