Về Vị Thanh thưởng thức trái cây thơm Khóm Cầu Đúc
Vị Thanh với những lợi thế về đặc trưng sông nước Miền Tây mang nét riêng rất ấn tượng cuốn hút ánh nhìn của du khách gần xa. Bên cạnh những điểm du lịch Hậu Giang đã quen thuộc thì Làng du lịch cộng đồng cánh Cánh Đồng khóm Cầu Đúc (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh) là điểm đến mới lạ thích hợp với những ai muốn khám phá thiên nhiên, về với đồng ruộng.
Theo lời kể của bà con nông dân ở địa phương thì khóm (trái dứa, thơm) xuất hiện trên mảnh đất Vị Thanh vào khoảng năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt bất đầu nhân giống ra trồng cặp bờ song Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay.
Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng (do thực dân pháp xây) bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến bà con mang khóm ra để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “Khóm Cầu Đúc” được hình thành.
Về xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh trong những ngày cuối tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, đâu đâu cũng toàn là khóm. Theo lời kể của các bác nông dân lớn tuổi tại đây thì khóm Cầu Đúc đã có mặt tại Hỏa Tiến từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ có một vài hộ trồng nhưng sau đó thấy khóm ngon, dễ trồng nên người dân địa phương nhân giống trồng dọc theo bờ sông Cái Lớn. Lúc bấy giờ, xã Hỏa Tiến có một cây cầu đúc xi-măng (do thực dân Pháp xây dựng) bắc ngang sông Cái Lớn. Hàng ngày, bà con mang khóm ra bán dưới chân cầu, thương lái từ khắp nơi đến cũng tập kết tại đó. Lâu ngày thành một cái chợ nhỏ và cái tên khóm Cầu Đúc cũng ra đời từ đó.
Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc điểm của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, mắt lồi, cuống ngắn, hố mắt hơi sâu, lõi nhỏ, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4, tháng 5. Nếu trồng bằng chồi thân thì 8 - 10 tháng xử lý ra hoa, còn nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa. Theo những người trồng khóm tại xã Hỏa Tiến thì khóm là loại cây ra hoa trong giai đoạn ngắn ngày. Vì vậy, việc xử lí ra hoa giúp rải vụ trong năm là điều cần thiết để tránh ứ đọng sản phẩm. Thông thường một vụ khóm kéo dài từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Cuối tháng hai đến đầu tháng ba âm lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch khóm rộ. Còn nếu xử lý trái vụ, khóm sẽ cho sản phẩm vào khoảng tháng 7, tháng 8.
Cây khóm Cầu Đúc khi trưởng thành cao trên 1 mét, trọng lượng từ 1,5-2kg/trái, năng suất trung bình 20 tấn/ha. Do đặc thù của thổ nhưỡng nên khóm ở khu vực này có vị ngọt thanh, ăn ít rát lưỡi. Khóm gọt vỏ xong có màu vàng rất bắt mắt, hương vị ngọt thơm và ăn rất ngon miệng. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không hư.
Từ năm 2004, sau khi tách từ tỉnh Cần Thơ, tỉnh lỵ Hậu Giang được đặt tại thị xã Vị Thanh. Do vậy việc đầu tư kỹ thuật, cải tạo giống được quan tâm nhiều hơn, chất lượng khóm vì thế cũng được nâng lên. Trái khóm ngày càng to, vị ngọt, cùi nhỏ, xơ thưa. Khách đến Hậu Giang công tác hoặc du lịch, sau khi thưởng thức các sản phẩm từ khóm đều không quên mua một ít về biếu người thân. Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa Khóm Cầu Đúc Hậu Giang. Từ đó càng có nhiều người biết đến loại đặc sản Hậu Giang ngon tuyệt này.
Cũng như bưởi năm roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc được tận dụng từ gốc đến ngọn mà không bỏ sót phần nào. Các sản phẩm từ khóm được người dân sáng tạo rất đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, mứt, kẹo, rượu, nước giải khát có ga… Lá khóm được dùng để chế biến thành sợi, bột giấy. Còn bã khóm tưởng là thứ vứt đi cũng được dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.
Theo người dân ở đây thì bất cứ đám tiệc, lễ, Tết nào cũng có sự góp mặt của khóm: khóm ăn sống tráng miệng, mứt khóm, gà hấp khóm, la gu khóm... Ngoài ra, trái khóm còn là “linh hồn” của nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, canh chua khóm nấu với cá rô đồng hay khóm kho với cá he, cá trê, cá mè vinh… Có dịp ghé thăm Hỏa Tiến vào những ngày thu hoạch khóm, du khách sẽ thật sự thích thú khi được hòa mình vào không khí lao động rộn ràng khắp nơi. Thanh niên tích cực chặt trái. Phụ nữ thì góp nhặt, tỉa ngọn và đưa lên xe chuyển về.
Tại vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn nặng nề như Hậu Giang, người nông dân chỉ có thể sinh sống bằng ba loại cây là khóm, tràm và mía. Nhưng mía thì giá bấp bênh còn cây tràm thì trồng cả chục năm mới thu hoạch mà giá cũng chẳng được bao nhiêu. Chỉ có cây khóm là dễ trồng, chi phí thấp, ít tốn công mà lại cho ăn bền. Chỉ cần rải phân lạnh, ốp gốc đầy đủ vào đầu vụ là người dân có thể ăn từ 5 - 7 năm mới cải tạo trồng lại. Đối với những người dân Hậu Giang, cây khóm không chỉ là một sản vật do thiên nhiên ban tặng mà còn là một món quà giúp cải thiện kinh tế, giảm tình trạng đói nghèo. Nhiều gia đình làm ăn phát đạt, con cái được học hành đến nơi đến chốn cũng nhờ loại cây thấp bé, đầy gai trên vùng đất phèn, mặn này.