Hạt tiêu Chư Sê – đặc sản nổi tiếng ở vùng đất đỏ Tây Nguyên chinh phục thị trường thế giới
Hạt tiêu (hồ tiêu) Chư Sê là thương hiệu nông sản nổi tiếng của huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những huyện có diện tích hạt tiêu lớn nhất Tây Nguyên, với năng suất cao nhất cả nước.
Lịch sử cây hồ tiêu
Lịch sử phát triển cây hồ tiêu được bắt nguồn từ Ấn Độ cách đây ít nhất 2000 năm trước Công Nguyên. Những người Ấn Độ đã phát hiện ra loại cây này mọc hoang trong rừng ở Tây Nam Ấn Độ nằm ở vùng Ghats và Assam (đây là vùng nhiệt đới ẩm), họ cũng là những người sử dụng đầu tiên và cho rằng việc phát hiện này là rất quý giá vì hạt tiêu có thể dùng làm lễ vật triều cống hoặc bồi thường chiến tranh.
Đến đầu thế kỷ 13 cây tiêu mới được trồng rộng rãi và sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen (black gold) và đã từng được loài người dùng làm bản vị tiền tệ khi trao đổi hàng hóa. Hồ tiêu từng được xem là tài sản kế thừa trong gia tộc, cho nên thời bấy giờ xuất hiện thuật ngữ “peppercorn rent” như một hình thức cầm đồ như bây giờ, hay thanh toán mua bán.
Trước thế kỷ thứ 16, hồ tiêu từ Ấn Độ lan rộng sang các nước vùng Nam Á, Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Srilanka, Campuchia, Việt Nam, Lào …). Những vùng kinh tế này đều có giao thương với Trung Hoa, hoặc tự sản xuất, tự tiêu thụ. Hải cảng Malabar vùng Đông Ấn là điểm trung chuyển cho con đường hàng hải buôn bán hồ tiêu toàn thế giới từ rất lâu, qua Ấn Độ Dương. Hồ tiêu được xuất sang Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi từ cảng Malabar. Con đường thương mại gia vị hồ tiêu xuất phát theo đường bộ hay đường thủy đều có những điểm đến là vùng ven biển Ả Rập (Arabian Sea).
Đến thế kỷ 19 mới đưa sang trồng ở châu Phi và châu Mỹ, nhiều nhất là ở Madagasca và Brazil. Hiện nay tiêu được trồng nhiều ở các nước nằm trong vùng xích đạo khoảng 15o vĩ Bắc và 15o vĩ Nam (vì do xuất xứ từ vùng nhiệt đới ẩm). Ở Việt Nam có thể trồng ở vĩ độ 17.Tiêu chỉ thích hợp ở độ cao dưới 800m, lên cao lạnh tiêu phát triển kém.
Cây hồ tiêu Chê Sư
Lịch sử hồ tiêu Chư sê bắt đầu vào thập niên 80 của thế kỷ trước1 do những người dân đưa về trồng và phát triển thành cây hàng hóa mang lại lợi nhuận cao. Đây là cây trồng tạo công ăn việc làm, đem lại nguồn thu nhập chủ lực cho hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê. Trong các tỉnh Tây Nguyên, huyện Chư Sê của tỉnh Gia Lai là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất vùng. Từ năm 2008 đến năm 2020, hồ tiêu Chư Sê được biết đến với năng suất cao nhất cả nước.
Hạt tiêu Chư Sê không những chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu một số nước khác trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ.
Hạt tiêu Chư Sê bao gồm 3 loại: hạt tiêu xanh, hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng (tiêu sọ). Hạt tiêu Chư Sê có đặc điểm hạt to và đồng đều. Hạt tiêu xanh có đường kính từ 4,45 - 5,85 mm, hạt tiêu đen từ 3,85 - 5,65 mm, hạt tiêu trắng từ 3,65 - 5,43 mm.
Hạt tiêu Chư Sê thơm nồng và có vị cay, được thể hiện qua dung trọng, hàm lượng Piperin và hàm lượng tinh dầu bay hơi cao. Hạt tiêu xanh có dung trọng từ 589 - 638 g/l, hàm lượng Piperin từ 5,89 - 6,35%, hàm lượng tinh dầu bay hơi 1,53 - 1,76 %; Hạt tiêu đen có dung trọng từ 558 - 592 g/l, hàm lượng Piperin từ 6,59 - 7,36 %, hàm lượng tinh dầu bay hơi từ 1,84 - 2,20%; Hạt tiêu trắng có dung trọng từ 616 - 651g/l, hàm lượng Piperin từ 7,05 - 7,42 %, hàm lượng tinh dầu bay hơi từ 2,01 - 2,28%.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu Chư Sê có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kĩ thuật sản xuất truyền thống của người dân trong khu vực địa lý.
Huyện Chư Sê là một vùng đất có điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt. Đây là vùng đất rất phù hợp cho cây hồ tiêu phát triển do đây là vùng đất đỏ bazan bằng phẳng hoặc dốc nhẹ nằm ở độ cao trung bình từ 700 - 800m so với mực nước biển. Loại đất này ở gần các miệng núi lửa, nham thạch giàu khoáng sét, tầng đất dày, thoát nước tốt và tính chất đất màu mỡ.
Bên cạnh thổ nhưỡng, khí hậu của khu vực địa lý cũng có nhiều yếu tố tác động đến tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu Chư Sê. Độ ẩm không khí của khu vực địa lý từ 80 - 90%, độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện cho quá trình thụ phấn dễ dàng (hạt phấn dễ dính vào núm nhụy) và thời gian thụ phấn kéo dài núm nhụy phình to, thuận lợi cho việc tạo quả với tỷ lệ đậu quả cao. Phôi nhũ sẽ phát triển to hơn làm đường kính hạt trung bình của hồ tiêu Chư Sê đạt kích thước tương đối lớn. Ngoài ra, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm của khu vực địa lý tương đối lớn, từ 8 - 10oC, làm cho quá trình trao đổi chất kéo dài, giai đoạn tạo chất thơm và vị cay của hạt tiêu sẽ được kéo dài hơn.
Thời gian cây tiêu ra hoa tạo quả trùng với mùa khô kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau của khu vực địa lý, mưa ít là điều kiện thuận lợi để cây hồ tiêu phân hóa mầm hoa và nở hoa tập trung, dễ dàng hình thành và tích trữ, cô đọng các dưỡng chất trong quả. Thời gian thu hoạch hồ tiêu thường trùng vào mùa khô nên việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm hồ tiêu thuận lợi.
Khác với vùng trồng tiêu Quảng Trị chỉ sử dụng trụ sống4, việc sử dụng song song cả trụ sống hoặc trụ hỗn hợp (trụ chết và trụ sống) có cây che bóng là phương pháp canh tác truyền thống tại huyện Chư Sê, nhờ đó năng suất của hồ tiêu Chư Sê cao. Ngoài ra, việc lược bỏ những cành tược giúp các cành còn lại có đầy đủ dưỡng chất và khả năng sinh trưởng tốt hơn. Việc chỉ sử dụng giống tiêu bản địa do giống đã được đánh giá là năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Chư Sê.