A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đấu tranh mạnh với hành vi khai thác khoáng sản trái phép

Thời gian qua, lợi dụng tình hình vắng vẻ do dịch bệnh, các đối tượng đã bố trí người canh lực lượng chức năng, tiến hành khai thác khoáng sản trái phép, bán thu lợi bất chính...

Theo tìm hiểu của Phóng viên (PV) Báo CAND, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như: đá vôi, đá xây dựng, đất sét, cát biển, than bùn... với trữ lượng khai thác hằng năm khá lớn, phục vụ nhu cầu sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng.

Theo phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, hiện, Kiên Giang có 80 mỏ khoáng sản, bao gồm: 17 mỏ vật liệu xây dựng, 19 mỏ sét gạch ngói, 24 mỏ vật liệu san lấp và 20 mỏ than bùn. Trên toàn địa bàn tỉnh có 41 công ty, doanh nghiệp được cấp 53 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và 5 công ty, doanh nghiệp được cấp phép tận thu lượng khoáng sản tại dự án để phục vụ cho san lấp mặt bằng.

Thời gian qua, lợi dụng tình hình vắng vẻ do dịch bệnh, các đối tượng đã bố trí người canh lực lượng chức năng, tiến hành khai thác khoáng sản trái phép, bán thu lợi bất chính. Theo một cán bộ trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang, các đối tượng cầm đầu, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép thường lựa chọn những khu vực nông thôn, vùng biển đảo ít người sinh sống, những dự án chưa triển khai xây dựng và không có người bảo vệ tại các địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, TP Phú Quốc và TP Hà Tiên để thực hiện hành vi vi phạm.

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang bắt quả tang một vụ đang khai thác khoáng sản trái phép

Mặc khác, các công ty, doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác chủ yếu quan tâm đến lợi ích kinh tế, chấp hành chưa nghiêm pháp luật bảo vệ môi trường và khoáng sản như: khai thác không đúng thiết kế mỏ, thực hiện không đúng, đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi đã được phê duyệt, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh khu vực khai thác.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Kiên Giang phát hiện, bắt 49 vụ khai thác khoáng sản trái phép, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính 44 vụ với số tiền trên 5 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm như: máy bơm cát, xe cuốc, xe ôtô tải, đất, đá... nhắc nhở 4 vụ, 1 vụ đang tiếp tục điều tra, chờ kết quả giám định, xử lý theo quy định.

Tại địa bàn TP Phú Quốc, nắm bắt nhu cầu san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình, giá trị cát san lắp, đất, đá tăng cao, các đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật để khai thác khoảng sản trái phép, thu lợi bất chính. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, phối hợp với Công an TP Phú Quốc và các đơn vị liên quan, kiểm tra, phát hiện trên địa bàn TP Phú Quốc xảy ra 43 vụ khai thác khoáng sản trái phép, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2 tỷ đồng. Mới đây, ngày 23/11, Tổ công tác Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường bắt quả tang 5 đối tượng cùng ngụ tại xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc đang dùng xáng cạp, máy bơm để bơm, hút cát tại khu vực cửa biển Rạch Tràm (ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm). Qua làm việc, các đối tượng không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến việc khai thác khoáng sản và thừa nhận việc bơm, hút cát từ biển lên là để san lấp mặt bằng nhưng không có giấy phép khai thác của cơ quan chức năng.

Nguồn lợi bất chính từ việc khai thác khoáng sản trái phép là rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Vào những tháng cuối năm 2020, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã xác lập chuyên án, đấu tranh, bắt 5 đối tượng đang khai thác tài nguyên không phép tại ấp Thuận Hòa và ấp Bình Thuận (xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất). Các đối tượng dùng 2 máy xới đất và 1 xe ủi đào, bới than bùn và dùng ghe vận chuyển đi tiêu thụ. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận đã khai thác, bán được 34.000 tấn than bùn trị giá trên 7 tỷ đồng. Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra để thụ lý theo thẩm quyền.

Đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1,12 tỷ đồng đối với 7 đối tượng bị bắt quả tang khai thác khoáng sản trái phép, để bán thu lợi bất chính, tại địa bàn xã Kiên Bình (huyện Kiên Lương).

Thượng tá Nguyễn Xuân Thắng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, qua công tác đấu tranh, xử lý nghiêm nên hiện nay tình hình vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác trên địa bàn vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân là do nhu cầu san lấp mặt bằng và nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng tăng cao, còn nguồn quy hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thu lại rất cao. Một số địa phương quản lý chưa chặt, xử lý chưa nghiêm.

Theo Đại tá Đỗ Triệu Phong, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, Ban Giám đốc đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trong năm 2021, Công an tỉnh Kiên Giang đã mở 3 cao điểm tập trung trấn áp tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản; đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chống tội phạm về tài nguyên khoáng sản.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức và người dân trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chuyên môn, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tham mưu, kiến nghị UBND các cấp phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để có biện pháp khắc phục. Song song đó, cần phải có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản kéo dài, làm mất ANTT tại địa phương, gây bức xúc trong nhân dân…


Nguồn:Cand.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website