A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm phát thải từ phương tiện giao thông và chuyển đổi năng lượng xanh

Ngày 24/10, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo Giảm phát thải từ phương tiện giao thông và chuyển đổi năng lượng xanh hướng tới bảo vệ môi trường. 

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, những nhà phát triển ngành xe điện (Ảnh: Báo Công Thương)

Các chuyên gia tham dự hội thảo tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến "Xe điện hóa và công nghệ", công nghệ xe điện hóa và xu hướng chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh sạch. 

Theo ông Ninh Hữu Chấn - Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), phát thải từ phương tiện giao thông đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Do đó, chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng không thể đảo ngược, việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, bao gồm xe điện và các dòng xe thân thiện với môi trường, không còn là lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu cấp bách.

Các diễn giả trả lời câu hỏi của đại biểu tại hội thảo (Ảnh: Báo Công Thương)

Nhận định về xu hướng sử dụng ô tô thân thiện với môi trường, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội - thông tin, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng phát thải khí nhà kính tăng trong ba thập kỷ qua, tăng 33,5% từ năm 1990 - 2019. Do đó, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải vào năm 2050, so với năm 1990.

Trước xu hướng kể trên, ​​điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải. Việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội” để phát triển xe điện hóa bởi tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn (điện gió, điện mặt trời) - đây là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa phương tiện giao thông đường bộ. Không bị đứt gãy chuỗi cung ứng khi chuyển đổi sang công nghiệp xe điện hóa. Đồng thời, trong bối cảnh thị trường Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia cũng đang "chạy đua" hết sức mạnh mẽ để thu đầu tư các dự án phát triển xe điện hóa.

Để thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện giao thông môi trường tại Việt Nam, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc kiến nghị cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn Việt Nam cho xe điện hóa. Đây là công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước về xe điện hóa. Đồng thời, định hướng cho các nhà sản xuất và lắp ráp trong nước, ngành công nghiệp phụ trợ cho xe điện hóa, bên cạnh đó cần ban hành các chính sách phát triển ô tô điện hóa đồng bộ trên cả 3 phương diện. 

Nói về lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc cho biết, trong giai đoạn năm 2022 - 2030, thị trường trong nước trong giai đoạn kích cầu thị trường bao gồm ưu đãi thuế phí cho các dòng xe hybrid, plug - in hybrid, xe thuần điện tương đương với mức cắt giảm phát thải, khuyến khích đầu tư nhà máy và hoạt động nghiên cứu và phát triển, khuyến khích đầu tư trạm sạc.

Hội thảo được diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Motor Show 2024. Nhiều hãng xe tham dự VMS 2024 đã cho thấy cam kết chuyển đổi sang tương lai thuần điện nhằm thể hiện cam kết của từng đơn vị tham gia trong nỗ lực xanh hóa giao thông, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.


Tác giả: Nhật Hạ

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website