Hải Phòng: Đến năm 2030, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100% quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ môi trường của thành phố Hải Phòng được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu công nghiệp Hải Phòng (Nguồn: Internet)
Theo đó, đến năm 2030, thành phố Hải Phòng đặt ra 4 mục tiêu cụ thể về môi trường, (i) Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sinh hoạt đạt 100%; (ii) Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; (iii) Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp và đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100% quy chuẩn kỹ thuật môi trường; (iv) Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 9% tổng diện tích tự nhiên.
Quy hoạch đã đề ra các phương án bảo vệ môi trường, cụ thể.
Đối với phương án phát triển hệ thống thoát nước mưa, nước thải sau xử lý; xử lý nước thải: Đến năm 2030, các đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trên 90%. Tất cả các nhà máy trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề phải có công trình xử lý nước thải cục bộ trong nhà máy trước khi đưa đến trạm xử lý nước thải tập trung. Nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp phân tán phải có công trình xử lý riêng trong nhà máy đạt tiêu chuẩn môi trường. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp, mở rộng nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại các đô thị, khu kinh tế và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Đối với phương án phát triển các khu xử lý chất thải: Thực hiện hiệu quả việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, phụ phẩm công nghiệp, chất thải chăn nuôi. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, y tế tại các cơ sở xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt đối với chất thải nguy hại cần được thu gom và vận chuyển theo đúng quy định.
Đồng thời, bố trí hợp lý các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn thành phố. Ưu tiên công nghệ đốt tại các khu xử lý rác thải, có lộ trình thay đổi công nghệ, dừng hoạt động chôn lấp tại các khu vực Tràng Cát, Đình Vũ. Cùng với đó, từng bước đóng của và phục hồi môi trường các bãi rác tạm tại các huyện Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên, Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng. Đầu tư xây dựng, cải tạo các trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn để thuận lợi cho việc thu gom và vận chuyển đến các khu xử lý tập trung.
Để thực hiện các mục tiêu về môi trường như Quy hoạch đề ra, Hải Phòng đưa ra các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn gây ô nhiễm và xử lý các loại chất thải khu vực đô thị và nông thôn, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường của các dự án và quản lý chặt chẽ việc thực hiện các phương án đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn của các nước phát triển về quản lý môi trường, phát triển ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác thông tin, truyền thông về vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh với các địa phương lân cận trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là liên quan đến môi trường biển, môi trường nước, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và xử lý ô nhiễm giữa các khu vực giáp ranh, khu vực chung, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường.