Long An: Triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh
Để thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp về kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Long An, với quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong đó quản lý chất thải rắn, rác thải là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Long đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng bộ quyết liệt đối với các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã có nhiều chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải vẫn còn nhiều hạn chế, các khu dân cư, đô thị, công nghiệp và kể cả khu vực nông thôn của một số địa phương phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt nhưng chưa được thu gom kịp thời và triệt để gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Ngoài ra, còn xảy ra nhiều trường hợp đổ lén chất thải công nghiệp tại bãi đất trống của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, có trường hợp đổ, đốt lộ thiên chất thải công nghiệp gồm cả chất thải nguy hại ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận.
Tỉnh Long An chỉ đạo quyết liệt về công tác môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ảnh: Báo Kinh tế môi trường
Để khắc phục tình trạng này, ngày 16/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Long An. Theo đó, Chủ tịch UBND chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tập trung quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của tỉnh về phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong đó quản lý chất thải rắn, rác thải là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm hướng tới phát triển bền vững tỉnh nhà. Đồng thời, việc quản lý chất thải rắn, rác thải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo. Do đó, các Sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu phát sinh, thu gom và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với các cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì làm việc, yêu cầu chủ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao và cộng đồng trách nhiệm trong việc ngăn ngừa và xử lý các trường hợp đổ trộm rác thải vào các tuyến đường và khu vực trống thuộc phạm vi quản lý của cụm công nghiệp. Phối hợp chủ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường trong các cụm công nghiệp, nhất là việc quản lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải rắn, tổ chức quản lý nguồn thải, chất thải rắn của các chủ doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Đồng thời, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác thẩm định và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư, đặc biệt là chất thải nguy hại; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường đã được duyệt.
Cùng với đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với chủ cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hạivà các tổ chức cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền hình trên địa bàn tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng thời lượng, tin, bài, thời gian phát sóng, kịp thời thông tin các hoạt động và kết quả thanh tra, kiểm tra về hoạt động thu gom, xử lý rác thải, chú trọng nêu gương những điển hình thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thông tin rõ, kịp thời về những trường hợp vi phạm, những địa phương để xảy ra tình trạng vứt rác thải, đổ rác thải không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
4 Nhiệm vụ, giải pháp về quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
Để quản đồng bộ công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh năm 2024, ngày 22/4/2024, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch 1263/KH-UBND, theo đó, Kế hoạch đã đưa ra 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: (i) Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và ý thức, trách nhiệm trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của cộng đồng, trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là ý thức về công tác thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn, lưu giữ, chuyển giao xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. (ii) Xúc tiến đầu tư nhà máy xử lý rác mới theo quy hoạch được phê duyệt, cụ thể, tăng cường phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu hút nhà đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Thủ Thừa, Cần Giuộc; Kêu gọi đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng tại xã Mỹ Hạnh với công suất xử lý dự kiến khoảng 450 tấn/ngày, (iii) Cải tạo nâng cấp các nhà máy, cơ sở xử lý rác hiện hữu, đóng cửa bãi rác lộ thiên, cụ thể, khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa - Long An với công suất xử lý nâng lên thành 500 tấn/ngày; Cải tạo, nâng cấp nhà máy xử lý rác Vĩnh Hưng; Đóng cửa bãi rác lộ thiên tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, phấn đấu bắt đầu thực hiện từ năm 2024 và đến cuối năm 2025 sẽ hoàn tất xử lý địa điểm ô nhiễm môi trường nêu trên. (iv) Bố trí, xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Tại Kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Công Thương bổ sung các dự án sản xuất điện (trong đó có điện rác) trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư, cũng như làm cơ sở để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư
Bên cạnh đó, Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, yêu cầu và đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế phải bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn theo đúng quy hoạch được duyệt. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh liên quan trong công tác quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động chủ đầu tư các chợ,siêu thị,trung tâm thương mại,các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp chấp hành thực hiện việc phân loại chất thải rắn theo quy định,bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom,vận chuyển, xử lý.
Để chỉ đạo quyết liệt về công tác môi trường trên địa bàn tỉnh, ngày 06/8/2024, UBND tỉnh Long An tiếp tục ban hành công văn bản số 7866/UBND-KTTC gửi các Sở, ban, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc tập trung thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để không ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, công tác môi trường trên địa bàn tỉnh Long An được các cấp, ngành vào cuộc, triển khai đồng bộ và hiệu quả, đúng với chủ trương của tỉnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.