A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện

Hiện nay, cả nước có 27 Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đã đi vào vận hành thương mại, với tổng công suất đặt là 18.894 MW, nguyên liệu gồm than nội địa (than antraxit) và than nhập (hỗn hợp than bitum và á bitum). Đa số các NMNĐ đang vận hành sử dụng công nghệ (thông số hơi) cận tới hạn (Sub- Super Critical) có hiệu suất dưới 40% và 02 nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn (Super Critical) có hiệu suất từ 40%-45%.

Về xử lý môi trường, các nhà máy được lắp đặt các thiết bị xử lý khói thải như: Thiết bị lọc bụi bằng công nghệ khử bụi tĩnh điện (ESP) có hiệu suất cao trên 99,7%; Thiết bị khử Lưu huỳnh oxit (SO2) bằng sữa đá vôi (FGD) hoặc nước biển, khử Nitơ Oxit (NOx) bằng hóa chất Amoniac NH3 có xúc tác với hiệu suất cao trên 85% hoặc vòi đốt phát thải thấp NOx. Sau khi qua xử lý, nồng độ phát thải bụi, SO2, NOx đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ được tái sử dụng hoặc xả ra môi trường. Nước làm mát được tuần hoàn bằng tháp giải nhiệt hoặc giải nhiệt bằng kênh hở đảm bảo nhiệt độ nước làm mát không vượt quá 40oC khi xả ra môi trường. Tất cả các NMNĐ đều lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải, nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Các NMNĐ Quảng Ninh, Uông Bí, Hải Phòng, Phả Lại, Ninh Bình mặc dù đã được phê duyệt và đầu tư đáp ứng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu vực được nâng cấp đô thị, có di tích được xếp hạng bổ sung dẫn đến các yêu cầu về môi trường khắt khe hơn và các nhà máy này cần nâng cấp hệ thống xử lý môi trường đối với khí thải (bụi, NOx, SOx) để đáp ứng yêu cầu cao hơn trong giai đoạn tới theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Vấn đề xử lý, tiêu thụ tro xỉ phát sinh từ các NMNĐ: Với những nỗ lực không ngừng, từ chỗ không tiêu thụ được tro xỉ, những khó khăn của các nhà máy nhiệt điện đốt than đã dần được tháo gỡ. Từ chỗ chỉ có khoảng 38,5% lượng tro xỉ phát sinh trong năm 2018 được tiêu thụ, đến năm năm 2019 đã tiêu thụ được hơn 6,5 triệu tấn, chiếm hơn 50% tổng lượng phát thải. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng tiêu thụ tro xỉ đạt 7,4 triệu tấn trên tổng lượng tro xỉ phát sinh khoảng 14 triệu tấn (đạt gần 53%). Trong đó, nhiều nhà máy đã tiêu thụ 100% lượng tro, xỉ phát sinh như: Hải Phòng, Uông Bí, Thái Bình 1, Mông Dương 1, Ninh Bình, Duyên Hải I, III…. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ tro xỉ vẫn khó khăn đối với Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân, NMNĐ Vũng Áng... do vấn đề vận chuyển, giá thành và nhu cầu sử dụng tại khu vực thấp. Hiện nay, tro xỉ chủ yếu sử dụng để làm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy xi măng, sản xuất gạch không nung, phụ gia bê tông, làm vật liệu san lấp nền… 

Để hỗ trợ cho công tác xử lý và tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện, đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2056/QĐ-BCT ngày 14 tháng 6 năm 2018 hướng dẫn xây dựng đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ liên quan ban hành và công bố 22 tiêu chuẩn, quy chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành về sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia xi măng, phụ gia bê tông và vữa, gạch bê tông) và sử dụng trong công trình xây dựng (vật liệu gia cố đất, san lấp, hoàn nguyên mỏ). Bên cạnh đó, việc tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy cũng được sự quan tâm, ủng hộ của UBND các tỉnh, thành phố trên địa bàn của nhà máy trong việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ làm các vật liệu trong các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và san lấp các công trình công ích như tỉnh Quảng Ninh, Trà Vinh.

Các giải pháp của Bộ Công Thương để tăng cường công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐ:

Trong quá trình xây dựng Đề án Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương đã quán triệt và bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, tập trung vào các nội dung:

+ Chỉ phê duyệt các NMNĐ có công nghệ với thông số hơi siêu tới hạn và trên siêu tới hạn là những công nghệ nhiệt điện mới nhất hiện nay, đảm bảo hiệu suất cao và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.

+ Rà soát và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

+ Nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu LNG đối với một số nhà máy đủ điều kiện.

+ Tập trung rà soát loại bỏ các NMNĐ cũ, hiệu suất thấp, không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; Phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo với tỉ lệ, cơ cấu phù hợp với tiêu chí đảm bảo đủ năng lượng với độ an toàn tin cậy cao và có dự phòng thích hợp, đặc biệt đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường. Đồng thời, nghiên cứu và đánh giá để nhận dạng các vấn đề môi trường của các dạng năng lượng mới để có các giải pháp phù hợp.

Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1375/QĐ- TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải đối với các ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm ngành nhiệt điện; Đánh giá môi trường tổng hợp và đề xuất quy định bảo vệ môi trường tại các trung tâm điện lực; Xây dựng Đề án quan trắc, giám sát môi trường tại các trung tâm điện lực.

Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các NMNĐ để đảm bảo việc thực thi hiệu quả các chính sách.

Đối với vấn đề tiêu thụ tro xỉ:

+ Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghiêm Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy. Hàng năm Bộ Công Thương đều tổ chức đoàn giám sát về tro xỉ nhiệt điện, năm 2020 thực hiện kiểm tra về Đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao tại 16 nhà máy.

+ Để giải quyết triệt để vấn đề tro xỉ phát sinh, Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện; Thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm từ tro, xỉ của các NMNĐ; Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các hướng dẫn thi hành về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo hướng “tái chế, tái sử dụng phế liệu, chất thải, và coi đó là nguồn tài nguyên” đối với các loại tro, xỉ, thạch cao… của các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất; Phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro xỉ nhiệt điện, thạch cao của nhà máy phân bón nhằm thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các loại vật liệu này trong công trình xây dựng và giao thông.

+ Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương ban hành các cơ chế, chính sách huyến khích sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ làm các vật liệu trong các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và san lấp các công trình công ích. Thúc đẩy đầu tư các dự án xây dựng cảng xuất tro, xỉ theo đường biển và đường thủy nội địa để giảm cước phí vận tải.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website