A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam cần làm gì để đáp ứng hiệu quả nhất với cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon

Câu hỏi đó là chủ đề được các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi tại Hội thảo khoa học diễn ra chiều ngày 23/5/2023, tại trụ sở Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương).

Tham dự Hội thảo có ông Ayumi Konishi, Điều phối viên, Cố vấn cao cấp Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Cố cấn cao cấp cho Giám đốc Điều hành - Trung tâm Hợp tác Đa phương về Tài chính Phát triển (MCDF); Ông John Cotton, Quản lý Chương trình Cấp cao, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng, UNOPS; Đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương; Lãnh đạo Viện, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Viện, các diễn giả là các nhà khoa học của Viện và đại diện doanh nghiệp.

EU đã đưa ra cơ chế CBAM để áp một loại thuế đối với hàng nhập khẩu vào EU

Chính phủ luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường

Biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nóng lên của trái đất đã trở thành một trong những mối nguy hại lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21 và ngày càng được chứng minh là do các hoạt động của con người gây ra. Để đối phó với tình trạng nóng lên của trái đất, các quốc gia trên thế giới đã không ngừng nỗ lực để giảm thiểu nồng độ các-bon, khí nhà kính (KNK). Đã có nhiều thỏa thuận, chương trình, sáng kiến và hành động toàn cầu được cam kết thực hiện như Nghị định thư Kyoto (1997), Cơ chế phát triển sạch (CDM), Thỏa thuận Paris (2015)... Đặc biệt, cam kết về cắt giảm khí CO2 được các quốc gia đồng lòng hưởng ứng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tổ chức tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào ngày 31 tháng 10 đến ngày 13 tháng 11 năm 2021. Tại Hội nghị này, các nước tham gia đã cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 (Net Zero) với mục tiêu đến năm 2050 mức phát thải sẽ bằng mức hấp thụ KNK nhằm đảm bảo mức gia tăng nhiệt độ trái đất vào năm 2100 sẽ không quá 1,5 độ C.

Thời gian qua, Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ môi trường và ban hành một số chính sách như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn trong đó quy định lộ trình giảm phát thải, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước hoặc Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 về về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Quốc Hội đã ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 và Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 ban hành danh mục ngành, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm tra khí nhà kính, trong đó có 1.662 công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại được liệt kê với thông tin chi tiết về địa điểm, loại hình kinh doanh và Tiêu thụ năng lượng (TOE) năm 2020.

Cam kết đáp ứng yêu cầu các bon thấp, phát thải Net Zeto đang trở thành thành xu hướng được quan tâm trong kinh doanh thương mại quốc tế. Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu phát thải các bon trong các hoạt động kinh tế thương mại như áp dụng dán nhãn các bon, đánh thuế các bon đối với hàng hóa nhập khẩu. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cơ chế “Điều chỉnh biên giới các-bon” (CBAM), theo đó sẽ áp một loại thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào EU. Mức thuế phụ thuộc vào hàm lượng phát thải trong sản xuất. Theo kế hoạch của Nghị viện châu Âu, giai đoạn đầu từ tháng 10/2023 đến hết năm 2025, Cơ chế CBAM bắt đầu với các sản phẩm dễ tính tóa lượng khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất, như: thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Hiện nay, các quy định cụ thể của CBAM vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng có khả năng sẽ mở rộng áp dụng sang các mặt hàng khác như gốm sứ, bột giấy và giấy...

Sôi nổi thảo luận, tìm giải pháp đáp ứng hiệu quả nhất với cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon

Tại Hội thảo “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng Việt Nam cần làm gì để đáp ứng hiệu quả nhất với cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon”, các diễn giả đã trình bày tham luận xung quanh vấn đề về giải pháp nhằm nâng cao trình độ khoa học – công nghệ, đáp ứng các yêu cầu các-bon thấp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, đáp ứng yêu cầu cơ chế “Điều chỉnh biên giới các-bon - CBAM” của EU; Tổng quan về Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM); Các quy định và vấn đề liên quan đối với Việt Nam trong việc tuân thủ CBAM; Tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của EU tới một số ngành hàng xuất khẩu có cường độ các-bon cao của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó.

Phiên thảo luận của Hội thảo nhận được sự quan tâm, tương tác của các đại biểu, tập trung vào 3 chủ đề chính tương ứng với 3 vấn đề được đặt ra:

Một là, liệu có thể coi CBAM là một cơ Hội cho Việt Nam?

Theo đó, một số vấn đề được nêu ra tranh luận như: Dù CBAM có thể đặt ra những thách thức đáng kể cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhưng liệu ở một khía cạnh nào đó có thể coi CBAM sẽ có những tác động tích cực đối với Việt Nam không? Liệu có thể tận dụng CBAM để đẩy nhanh các nỗ lực trung hòa các-bon của Việt Nam như yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường 2020? CBAM có thể có những tác động gì đối với thương mại và công nghiệp Việt Nam? Những tác động trực tiếp đến các ngành công nghiệp có mức phát thải các-bon cao và điều đó sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác như thế nào?

Hai là, Việt Nam nên làm gì khi thảo luận việc thực thi CBAM trong các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại giữa Việt Nam và EU?

Giả sử CBAM sẽ tác động trực tiếp đến thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu, và việc áp dụng CBAM dự kiến sẽ được thực hiện theo một lộ trình trên cơ sở thảo luận, đàm phán tiếp theo, Việt Nam cần đưa ra quan điểm, yêu cầu gì đối với EU trong các cuộc đàm phán thương mại? Việt Nam có nên yêu cầu trì hoãn áp dụng CBAM đối với thương mại Việt Nam-EU hoặc đề nghị có các hình thức hỗ trợ khác, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp Việt Nam để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của CBAM?

Ba là, Việt Nam cần làm gì để có các chính sách phát triển công nghiệp, áp dụng Hệ thống trao đổi khí thải (ETS) phù hợp hoặc thực hiện các sáng kiến khác?

Với việc CBAM có thể sẽ được áp dụng đối với nhiều ngành/lĩnh vực công nghiệp khác để theo dõi “dấu vết các-bon” của tất cả các hoạt động sản xuất, cũng như việc nhiều đối tác thương mại khác của Việt Nam sẽ áp dụng các cơ chế tương tự, Việt Nam cần phải có các biện pháp ứng phó trung hạn đối với CBAM trong bối cảnh ban hành và thực thi các chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp của mình. Cũng cần cân nhắc làm thế nào để các chính sách công nghiệp đó có thể hài hòa với việc áp dụng Hệ thống trao đổi phát thải (ETS) tại Việt Nam. Việt Nam nên làm gì để tận dụng tốt nhất CBAM?

Với các chủ đề thảo luận trên, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp và chia sẻ từ các chuyên gia. Ban tổ chức Hội thảo đã tổng hợp các kiến nghị, đề xuất cũng như các ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, từ đó, làm cơ sở để đề xuất các kiến nghị, giải pháp đến các cơ quan chức năng trong những chiến lược phát triển công nghiệp và thương mại trong thời gian tới.


Tác giả: Hoàng Ngân (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website