Góp ý quy định về kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghiệp
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghiệp cấp quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo dự thảo, mục đích kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ về nội dung, tiến độ triển khai, sản phẩm và tình hình sử dụng kinh phí theo hợp đồng và thuyết minh đã ký, làm cơ sở thực hiện xác nhận khối lượng, chất lượng công việc, thanh toán, quyết toán và tạm ứng kinh phí từ ngân sách Nhà nước; đôn đốc tiến độ thực hiện và đề xuất phương án xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ và giải ngân kinh phí (nếu có).
Nội dung kiểm tra, đánh giá
Dự thảo nêu rõ 4 nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm:
Nội dung khoa học: Nội dung đã hoàn thành, nội dung đang triển khai, sản phẩm khoa học và công nghiệp.
Tiến độ thực hiện.
Tình hình sử dụng kinh phí: Tình hình sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, tình hình sử dụng kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước (nếu có); hồ sơ, chứng từ thanh toán kinh phí sử dụng ngân sách Nhà nước và ngoài ngân sách Nhà nước.
Các nội dung khác (nếu có).
Về hình thức kiểm tra, dự thảo đề xuất kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tiếp tại trụ sở đơn vị quản lý, tại tổ chức chủ trì nhiệm vụ, hoặc tại hiện trường triển khai nhiệm vụ.
Trưởng đoàn quyết định hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với yêu cầu thực tế.
Nguyên tắc kiểm tra, đánh giá
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ nguyên tắc kiểm tra, đánh giá dựa trên hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghiệp đã ký kết, thuyết minh được phê duyệt và các văn bản điều chỉnh (nếu có); thực hiện theo đúng mục đích, nội dung và đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính dân chủ, khách quan, công bằng, trung thực và chính xác.
Tôn trọng và hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của tổ chức được kiểm tra. Chỉ thực hiện kiểm tra khi có kế hoạch hoặc khi có yêu cầu của bộ chủ trì nhiệm vụ hoặc có đề xuất của tổ chức chủ trì nhiệm vụ.
Kiểm tra phải được thực hiện theo đúng nội dung, thẩm quyền và quy trình; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác kiểm tra, tránh trùng lặp và chồng chéo.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ, định kỳ 1 năm/lần kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá có trách nhiệm lựa chọn thời điểm kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với thực tế triển khai nhiệm vụ.
Đột xuất theo yêu cầu quản lý nhiệm vụ hoặc theo đề xuất của tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Việc kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện khi có sự thống nhất giữa đơn vị quản lý nhiệm vụ và đơn vị quản lý kinh phí.
Các trường hợp đặc biệt do lãnh đạo bộ chủ trì nhiệm vụ xem xét, quyết định.