Ngành Công Thương xây dựng nhóm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0 là ưu tiên hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành các Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, ưu tiên trong việc chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0.
Một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương đó là hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
Để đạt được mục tiêu đó, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án sẽ hướng tới nhóm mục tiêu cụ thể gồm:
Thiết lập môi trường kiến tạo: Tạo ra môi trường chính sách và pháp lý mang tính hỗ trợ cao cho DN ngành Công Thương chuyển đổi số. Tạo nhận thức sâu sắc, nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số của toàn ngành song song với việc hình thành cơ chế hỗ trợ bền vững cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
Hình thành năng lực sáng tạo: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương phát triển năng lực triển khai chuyển đổi số bao gồm nguồn nhân lực, năng lực công nghệ và sáng tạo, nguồn tài nguyên dữ liệu và hạ tầng số cho chuyển đổi số.
Dẫn dắt chuyên nghiệp: Hỗ trợ trực tiếp các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo phương thức hiệu quả và bền vững, bao gồm nhân lực chuyển đổi số chuyên nghiệp cho doanh nghiệp, các dự án mẫu để đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo và nền tảng số, cơ chế và tài nguyên hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Phát triển tầm nhìn bền vững: Hình thành yếu tố chuyển đổi số bền vững cho doanh nghiệp ngành Công Thương như theo dõi tiến độ, đánh giá tác động của hoạt động chuyển đổi số đến doanh nghiệp để điều chỉnh phù hợp, hướng đến nền kinh số…
Có thể nói, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đó là “sức ỳ” và việc ngại thay đổi. Đây cũng là rào cản chính cho các hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ nói chung và việc thực hiện chuyển đổi số nói riêng. Tuy nhiên, “cú hích” từ đại dịch Covid-19, cùng với cơ hội đến từ quá trình mở cửa và hội nhập sâu sắc hiện nay đã trở thành một “đòn bẩy” quan trọng giúp chuyến xe của doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số được khởi động, lăn bánh.
Để quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra một cách thuận lợi, trước tiên doanh nghiệp cần phải hiểu chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình có ý nghĩa như thế nào, doanh nghiệp cần, mong muốn gì và họ sẽ phải có những bước đi cụ thể như thế nào để hiện thực hóa mong muốn ấy. Nhận thức đầy đủ giúp doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận chủ động trước những cơ hội và thách thức, tận dụng tối đa những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp. Cần nhấn mạnh lại rằng, CMCN4.0 lần này không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cần nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi doanh nghiệp, buộc họ phải xem lại định hướng và chiến lược phát triển của mình.
Chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực thích đáng. Đây rõ ràng là một thách thức với các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Khảo sát của chúng tôi cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng thiết bị không thể kiểm soát bằng công nghệ thông tin hoặc phải nâng cấp để kết nối giữa các thiết bị và hệ thống khác là cao tương ứng ở mức 70% và 52%. Điều này cho thấy, đầu tư của doanh nghiệp không chỉ là vấn đề đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh mà sẽ bao gồm cả việc đầu tư, thay thế các công nghệ, thiết bị hiện có, trong khi, mức đầu tư của các doanh nghiệp trong 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới, phần lớn ở mức thấp.
Tuy nhiên, chuyển đổi số sẽ là một hành trình dài và mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể dựa trên các yếu tố: Năng lực hiện tại của doanh nghiệp so với yêu cầu của phát triển công nghiệp thông minh; Ưu tiên hay những thách thức hiện tại đối với vấn đề phát triển của doanh nghiệp và cuối cùng là hiệu quả mang lại là gì.
Tóm lại, đầu tư đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số sẽ là đầu tư cho những giá trị và sức cạnh tranh mới của doanh nghiệp. Lộ trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào Chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp trong một bối cảnh phát triển mới.