Viện IMI tạo đột phá mới từ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, bằng định hướng gắn hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo với chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, Viện Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động của mình.
Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (Viện IMI) tiền thân là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương. Năm 2012, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định cổ phần hóa và chuyển Viện IMI thành (KH&CN) theo hình thức công ty cổ phần kể từ ngày 27/12/2013.
Đối với hoạt động nghiên cứu KH&CN, trong giai đoạn chuyển đổi, Viện IMI đã chủ trì thực hiện 6 đề tài/dự án cấp nhà nước cùng 15 đề tài cấp Bộ với tổng giá trị thực hiện trên 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực máy công cụ điều khiển CNC, thiết bị đo lường, tự động hoá trong công nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khuôn mẫu chính xác và robot công nghiệp hay thiết bị y tế công nghệ cao đã được Viện IMI chuyển giao thành công vào sản xuất công nghiệp, mang lại lợi nhuận không nhỏ.
Hệ thống thiết bị sơ chế nguyên liệu, máy đóng gói và lò sấy hồng ngoại dược liệu tự động do Viện IMI chế tạo
“Thông qua các hợp đồng cung cấp thiết bị gắn với chuyển giao công nghệ, các sản phẩm cơ điện tử của Viện IMI đã thay thế nhập ngoại phục vụ tốt cho nhu cầu trong nước và một số sản phẩm công nghệ đã được xuất khẩu. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt như đem lại doanh thu trung bình 500 tỷ đồng mỗi năm cho Viện IMI và các đơn vị thành viên; tiết kiệm ngoại tệ trung bình 5-7 triệu USD/năm” - ông Hoàng Việt Hồng – Tổng Giám đốc Viện IMI nhấn mạnh.
Ngay ở giai đoạn đầu chuyển đổi, mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng doanh thu bình quân của Viện IMI vẫn đạt 12,5%/năm. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt được 57,4 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền 46,2 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước (không bao gồm thuế VAT, tiền thuê đất), đạt được 75,6 tỷ đồng.
Trong hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Viện IMI đã tuyển sinh và phối hợp đào tạo được 8 tiến sỹ kỹ thuật. Song song với đó, Viện IMI còn tham gia hướng dẫn và đào tạo cho 12 thạc sỹ và 50 sinh viên Cơ – điện tử mỗi năm.
Trao đổi kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Viện IMI.
Có thể thấy, kết quả hoạt động của viện đã có được sự thành công đáng kể kể từ khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp KH&CN. Tổng Giám đốc Viện IMI Hoàng Việt Hồng chia sẻ, trong quá trình đó, Viện IMI luôn được các cơ quan cấp trên từ Chính phủ, Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp, tạo điều kiện cho Viện IMI hoàn thành các nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới cũng như hỗ trợ Viện xây dựng định hướng phát triển.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng: “Trong các viện của Bộ Công Thương, IMI là viện duy nhất được giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và quá trình đào tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ cũng được triển khai tốt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, viện cần nhìn nhận và xác định rõ mục tiêu về khoa học công nghệ cũng như việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc liên kết chuỗi những cụm nghiên cứu và đưa vào thực tế, tránh tình trạng bị xé lẻ và manh mún, đồng thời, có sự kết nối, gắn kết với các viện nghiên cứu khác, để giải quyết những vấn đề của ngành Công Thương”.
Các giải thưởng Viện IMI đã đạt được: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN; 02 bằng độc quyền sáng chế; 05 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 02 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 15 bản quyền tác giả. Huân chương độc lập hạng Nhì; Huân chương lao động hạng Nhất; Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. |