Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo
Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu vật liệu xanh tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Xây dựng bền vững là khái niệm bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật xây dựng và vật liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong suốt vòng đời của công trình, từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì đến tháo dỡ.
Một trong những yếu tố cốt lõi của xây dựng bền vững chính là sử dụng vật liệu xanh, được thiết kế để giảm thiểu tác động môi trường, bao gồm sử dụng nguyên liệu tái tạo, giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng và nước đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khoẻ con người. Tuy nhiên, dù Việt Nam đang dần xây dựng các tiêu chuẩn về vật liệu xanh, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng trên diện rộng.
Trong bối cảnh hiện nay, vật liệu xanh ngày càng thay thế dần cho vật liệu xây dựng truyền thống. Tại Việt Nam, vật liệu xanh đang đứng trước cơ hội phát triển rộng mở. Về hành lang pháp lý, Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản, như: Luật Bảo vệ môi trường với quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, mua sắm xanh và trái phiếu xanh; Quyết định số 889/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1052/QĐ-BXD năm 2022 về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1266/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng…
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Việt Nam vẫn thiếu bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh, dẫn đến tồn tại không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Ngoài ra, chưa có hệ thống định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh và chất lượng còn hạn chế; nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo đánh giá của Viện Vật liệu xây dựng, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng,Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh và vật liệu xanh, như chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành vật liệu xây dựng xanh.
Tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh" được tổ chức mới đây, KS. Lê Cao Chiến - Trung tâm Thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng nhìn nhận, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh và vật liệu xanh, như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này giúp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cùng nhà đầu tư trong ngành vật liệu xây dựng xanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu về các sản phẩm và công trình đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và bền vững, đang tạo cơ hội cho nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu với sản phẩm vật liệu xanh.
Đặc biệt, việc Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, gồm gỗ, tre, rơm rạ nên có thể tận dụng phát triển loại vật liệu xanh và tái tạo. Các vật liệu gạch từ rơm, tre hay gỗ tự nhiên qua khảo sát có thể thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống. Hơn nữa, trước biến sự biến đổi của khí hậu, người tiêu dùng đang quan tâm hơn đến môi trường và chất lượng sống, vì vậy, sử dụng vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở và công trình công cộng dự báo sẽ được ưa chuộng.
Song, ông Chiến cho rằng thời gian tới, để vật liệu xanh phổ biến và sử dụng rộng rãi cần xây dựng các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh và không ngừng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xanh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh.