A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển dịch năng lượng bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long - Bài cuối: Sớm gỡ vướng chính sách

Dự thảo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 1 trong 5 điểm nhấn chính là: Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng; tiếp tục thực hiện các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng và thay thế tất cả bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo… Theo các chuyên gia, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, trước hết cần sớm gỡ vướng chính sách.

“Chiếc áo pháp lý hoặc còn bỏ trống, hoặc quá chật”

“Hai năm qua, dù cơ quan quản lý nhà nước có nỗ lực rất lớn trong việc ban hành các văn bản hỗ trợ năng lượng tái tạo nhưng nhìn chung "chiếc áo" pháp lý hoặc còn bỏ trống, hoặc đang quá chật”, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, Cố vấn Nhóm đối tác đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bình luận.

Lắp đặt pin mặt trời tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu - Ảnh Đan Thanh

Phân tích rõ hơn, ông Hiệp cho rằng điểm nghẽn trước hết đến từ nhận thức về năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng. “Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ là khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước, nhưng khi cụ thể hóa bằng quyết định của Thủ tướng và các thông tư hướng dẫn lại là “điện mặt trời áp mái nhà”. Như vậy, nếu lắp pin mặt trời trên mái nhà xưởng hoặc trên các trang trại trồng trọt, chăn nuôi thì sẽ bị vướng do không phải là mái nhà”.

Bên cạnh đó là vướng mắc trong quy định của Luật Đất đai. Luật chỉ quy định mục đích sử dụng đất mà không có đất kết hợp nông nghiệp, thủy sản và phát triển năng lượng khiến người ta không dám đầu tư lớn.

Thêm nữa, hiện vẫn thiếu quy chuẩn kiểm soát công nghệ. Thực tế, công nghệ của Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… rất khác nhau. Các nhà cung cấp công nghệ đang cạnh tranh về giá, có công nghệ giá cao hơn vì cấu thành trong đó trách nhiệm xử lý môi trường và ngược lại. Song, do chưa có quy chuẩn kiểm soát nên dẫn đến sự lúng túng trong thực hiện. Chưa kể, quy định trách nhiệm thu hồi tấm pin năng lượng mặt trời là của chủ đầu tư song tuổi thọ tấm pin lên tới 25 năm, nếu doanh nghiệp giải thể thì ai sẽ thu hồi? “Đây đang là những khoảng trống pháp lý cần sớm khắc phục”, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Chuyên viên Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương An Giang Mai Chí Cường thừa nhận, dù có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời song hiện tỉnh này vẫn đang vướng vì quy định chưa hoàn thiện. Trong đó, “khó khăn nhất là hiện chưa có quy định hướng dẫn về mái nhà là tài sản công, nên nhiều cơ quan nhà nước muốn lắp pin mặt trời song cũng không thể thực hiện”.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang Nguyễn Quốc Toàn bổ sung, dù cơ chế chính sách cho năng lượng tái tạo đang khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng và đặc biệt là người dân quan tâm hưởng ứng song cơ chế ưu đãi về giá FIT ngắn quá, gây khó khăn, áp lực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đối với các dự án năng lượng mặt trời, các nhà đầu tư đã và đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình không đủ vốn đầu tư. Vốn vay tín dụng ngân hàng thường được ít hơn so với nhu cầu vốn, chưa có nhiều chính sách ưu đãi vay vốn trong lĩnh vực phát triển năng lượng. 

Quy hoạch theo vùng thay vì ranh giới hành chính

Trong báo cáo nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của ĐBSCL” vừa công bố nhằm đóng góp vào việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, các chuyên gia của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phân tích 3 kịch bản phát triển năng lượng tại vùng này. Theo đó, kịch bản phát triển năng lượng tái tạo đồng thời không phát triển thêm dự án nhiệt điện mới (kịch bản 3) sẽ có hiệu quả tối ưu, như công suất phát điện dự kiến đạt 75.177MW vào năm 2050, tăng hơn 6.100MW so với kịch bản phát triển năng lượng tái tạo (kịch bản 2) và hơn 19.500MW so với kịch bản không ưu tiên năng lượng tái tạo (kịch bản 1). Đồng thời, tổng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo của kịch bản 3 lên tới 56%.

Nếu xét riêng ngành năng lượng và coi kịch bản 1 là kịch bản phát triển thông thường thì kịch bản 2 sẽ giúp cắt giảm 0,8% khí nhà kính trong giai đoạn 2020 - 2030, giảm 4,2% trong giai đoạn 2030 - 2040 và 8% vào trong giai đoạn 2040 - 2050. Trong khi đó, kịch bản 3 sẽ giúp cắt giảm lần lượt là 8%, 30% và 45%.

Như vậy, việc lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng mang lại hiệu quả bền vững với các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, để thúc đẩy năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng, trước tiên, cần sớm gỡ vướng chính sách thông qua hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có điện mặt trời. Sự vận hành chậm chạp và bất cập của thị trường điện cạnh tranh khi đặt ra nhiều năm nhưng mới chỉ bước một chân vào phát điện cạnh tranh cũng ảnh hưởng đến phát triển năng lượng tái tạo. Một khi không có thị trường đúng nghĩa thì không thể thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch và tiếp cận quy hoạch theo lợi thế tiềm năng điện mặt trời ít nhất phải theo tiểu vùng, vùng thay vì bị đóng khung theo ranh giới hành chính tỉnh; thực hiện liên kết vùng đầu tư kết cấu hạ tầng năng lượng; tiếp tục xem xét hỗ trợ tài chính phù hợp cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Nhà nước cần xây dựng kịp thời hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất, tránh tình trạng quá tải.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của GreenID, để phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL cần hình thành nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững vùng ĐBSCL để thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị nhằm hỗ trợ chuyển dịch năng lượng một cách bền vững và công bằng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng, trong bối cảnh tiềm năng diện tích đất trống để phát triển điện mặt trời hầu như không còn,  sản xuất điện kết hợp nông nghiệp sẽ là hướng đi hợp lý. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ phát triển mô hình này. Những quy định hiện hành về đất nông nghiệp đang gây khó cho đầu tư bởi Nhà nước không cho phép xây dựng nhà kiên cố, công trình công nghiệp trên loại đất này. Do vậy, Nhà nước cần cho phép làm quy hoạch đất nông - điện, trở thành “đất nông nghiệp khác” và được hưởng quy định riêng về khai thác, sử dụng.

Tác giả: Đan Thanh - Báo Đại biểu nhân dân, bài đăng ngày 28/12/2020

Tác phẩm đại giải C - Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương


Tin nổi bật

Liên kết website