A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghiệp hỗ trợ 'chuyển mình' đón 'sóng' FDI

Việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI là bài học kinh nghiệm thành công điển hình của các quốc gia trong khu vực mà tiêu biểu là Thái Lan. Do đó, nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.

Bài 1: Đi sau phải giỏi hơn mới chen vào được chuỗi cung ứng

 

Nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ không bao giờ thiếu, nhưng vấn đề vẫn nằm ở phía doanh nghiệp Việt Nam. "Chúng ta đi sau thì phải giỏi hơn người ta thì mới có thể chen chân được vào chuỗi sản xuất của họ", đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.

Xe máy được xem là một trong những ngành thành công nhất về tỷ lệ nội địa hóa, đạt trên 90%. Từ một xưởng gia công cơ khí, thiết kế chế tạo và gia công chuyên dụng vào năm 2000, Technokom đến nay đã lớn mạnh thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp phụ tùng, linh kiện bằng thép phục vụ lắp ráp xe máy cho các công ty của Honda Việt Nam, Yamaha...

Không dễ chen chân, vượt qua đối thủ

Tưởng chừng đây đã là thành công, niềm mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam nhưng thực tế chính Technokom cũng đang phải vật lộn giành khách hàng trong một thị trường cạnh tranh rất khốc liệt.

CNHT-Viet-8562-1595492817.jpg

Doanh nghiệp CNHT giới thiệu sản phẩm của mình tới khách hàng (Ảnh: TL) 

 

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Giám đốc điều hành Technokom cho biết, cuộc cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn sản xuất xe máy rất khốc liệt. Điều đó buộc lòng mỗi công ty đều phải đưa ra một kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách giảm giá thành, cải tiến mẫu mã cũng như cung cấp được đơn hàng với số lượng lớn.

"Chỉ khi làm được những yêu cầu trên, chúng tôi mới có thể vượt qua đối thủ để có được đơn hàng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", bà Hoa nói.

Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, một khảo sát do Hiệp hội thực hiện vào đầu quý II/2020 cho thấy, đơn hàng là đang là mối lo của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh rất khó khăn do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Bà Bình nhìn nhận, thực tế nhu cầu về sản phẩm CNHT luôn có nhưng vấn đề đang nằm ở năng lực của doanh nghiệp Việt Nam khá yếu. Điều đó dẫn đến khó kết nối giữa người bán và người mua với nhau.

"Trong chuỗi cung ứng luôn có những "ông lớn" làm sẵn rồi, mình muốn chen chân vào chuỗi của họ thì mình phải giỏi hơn người ta. Đó là sản phẩm phải đạt chất lượng, giá bằng hoặc rẻ hơn đối thủ. Có như vậy mới gạt người ta ra được. Đây là câu chuyện không dễ chút nào", bà Bình chia sẻ.

Cho khách hàng "mắt thấy, tai nghe"

Ở góc độ là nhà mua hàng, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Võ Trung Chính, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh linh kiện phụ tùng của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của Thaco dao động từ 15 - 60% tuỳ theo loại xe ô tô. Bên cạnh việc tự cung cấp, Thaco cũng đang phải mua nhiều loại linh phụ kiện khác từ bên ngoài hệ sinh thái của mình.

Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, ông Chính thẳng thắn cho rằng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng, giá cả cạnh tranh đang là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp.

"Bên cạnh nâng cao chất lượng, doanh nghiệp CNHT cần phải cắt giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, từ đó sản phẩm mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác, cũng như các loại linh kiện, phụ tùng nhập từ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan...", ông Chính nói. 

Hay với CTCP công nghiệp KIMSEN, 40% doanh thu ở thị trường nội địa của doanh nghiệp này đến từ việc trở thành nhà cung ứng linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, trong đó có những tập đoàn đa quốc gia như LG.

Ông Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện KIMSEN chia sẻ: "Làm việc với các doanh nghiệp lớn, thay vì giới thiệu chung chung rằng sản phẩm của mình đạt chất lượng, công nghệ thế này thế kia..., doanh nghiệp Việt Nam hãy mời khách hàng đến nhà xưởng của mình, để người ta tận "mắt thấy, tai nghe" cái mình đang làm. Như vậy, họ sẽ tin tưởng mình hơn".

Đồng thời, ông Điệp nhìn nhận, một trong những điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam chính là đã nhỏ nhưng lại thiếu sự liên kết với nhau, hoạt động theo kiểu mạnh ai nấy làm.

"Khách hàng cần cụm linh kiện, giá thành cạnh tranh nhưng doanh nghiệp Việt lại chào mời từng loại linh kiện rời. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó để thu hút họ hợp tác với mình", ông Điệp nói.

Theo đại diện KIMSEN, vẫn biết rằng CNHT Việt Nam phát triển muộn hơn nhiều nước nhưng chắc chắn còn nhiều cơ hội. Điều quan trọng nhất là cố gắng tìm được phân khúc phù hợp với sức, với lợi thế mà mình đang có.

Bên cạnh đó, một trong những điều mà doanh nghiệp CNHT quan tâm là thông tin khách hàng. Thời gian vừa qua, nắm bắt xu hướng nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, KIMSEN đã đầu tư cơ sở sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, ông Điệp cho biết, điều doanh nghiệp cần là có thêm nhiều cơ hội kết nối với khách hàng hơn.

Bà Dương Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) đánh giá, năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa đạt yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong khi với xu hướng chuyển dịch trên toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.

Xem Kỳ 2 tại đây.

Xem Kỳ 3 tại đây.

Tác giả Lê Thúy - Thế Vinh, đăng trên Báo VnBusiness.vn từ ngày 24/7/2020 đến 10/8/2020

Tác phẩm đạt giải Khuyến khích, Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương


Tin nổi bật

Liên kết website