A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bổ sung quy định về hoạt động TMĐT của thương nhân nước ngoài

Tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo 2 điều kiện khi tiếp cận thị trường.

Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam; website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định trên thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm sau: Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định.

Trách nhiệm khi bán hàng hóa trên sàn giao dịch

Nghị định quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động bán hàng hóa theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.

Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam có trách nhiệm xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử đó, đồng thời lựa chọn thực hiện một trong các trách nhiệm sau:

- Yêu cầu thương nhân thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.

Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan.

Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài

Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Các điều kiện tiếp cận thị trường gồm:

1- Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư;

2- Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an.

Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải thực hiện quy định trên.

Nhà đầu tư nước ngoài chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại điểm 2 là khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp;

- Nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp;

- Nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm việc lựa chọn nền tảng công nghệ, hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường tại Điểm 2 được xác định dựa trên các tiêu chí về số lượt truy cập, số lượng người bán, số lượng giao dịch, tổng giá trị giao dịch.

Điều chỉnh Giấy phép kinh doanh

Trường hợp quy định tại Điểm 2, nhà đầu tư thực hiện trong quá trình đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh theo quy định của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

Trong quá trình cho ý kiến theo thẩm quyền đối với Hồ sơ cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh, Bộ Công Thương có văn bản xin ý kiến Bộ Công an.

Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Công an có văn bản nêu rõ ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của nhà đầu tư, gửi lại Bộ Công Thương trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Công Thương.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trả lời cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định.

Thời hạn xin ý kiến Bộ Công an không tính vào thời hạn cho ý kiến chấp thuận của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật.


Nguồn:Chinhphu.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website