A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Muôn kiểu tin giả, nhận biết thế nào?

Thời gian gần đây, tình trạng tin giả (fake news) xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống dịch COVID-19, thậm chí không ít người dân sập bẫy, mất tiền.

Đủ kiểu tin giả

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, công an cả nước đã triệu tập, đấu tranh với hơn 1.800 người, khởi tố xử lý hình sự 21 người, xử phạt vi phạm hành chính 466 trường hợp với số tiền hơn 5 tỷ đồng vì phát tán tin giả.

Trước tình trạng fake news xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống dịch COVID-19, thậm chí không ít người dân sập bẫy, mất tiền vì tin giả. Điển hình, tháng 5/2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Nam ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Lâm (SN 1988) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Lâm đã lập nhiều fanpage kêu gọi từ thiện, chiếm đoạt gần 7 tỷ đồng của các nhà hảo tâm.

Tiếp đó, đầu tháng 8, bà Nguyễn Thị T, ở Ninh Bình đăng thông tin lên mạng xã hội, “Niệm 9 chữ chân ngôn Pháp luân công thì trong 10 ngày, người nhiễm COVID-19 có thể khỏi bệnh, chuyển từ dương tính sang âm tính”. Sau đó, người này đã bị xử phạt 10 triệu đồng và gỡ bỏ thông tin đăng sai sự thật.

Trần Văn Lâm đăng tin kêu gọi hỗ trợ trẻ em để chiếm đoạt lên tới gần 7 tỷ đồng

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Tin giả giống như một loại virus. Tiếp xúc với tin giả nhiều lần hoặc nó đến từ một người nổi tiếng, có ảnh hưởng sẽ khiến công chúng bị thuyết phục, tin theo”.

TS Giang cho rằng, người dân bị lôi kéo vào tin giả bởi đây thường là những câu chuyện gây sốc, hấp dẫn, đánh mạnh vào trí tưởng tượng, hiếu kỳ của công chúng. Kẻ tung fake news cũng nắm bắt được xu hướng của mạng xã hội, những vấn đề người dân quan tâm hoặc tâm lý của cộng đồng.

Mạng xã hội là môi trường thuận lợi cho fake news lan rộng trong bối cảnh nhiều người coi đây là nguồn thông tin chính. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội thường trùng với các sự kiện nóng. Theo TS Giang đánh giá: “Sự kiện nào càng nóng, gây tranh cãi càng là đề tài béo bở cho tin giả khai thác”.

Trong khi đó, tỷ lệ công chúng hiểu về truyền thông chưa cao, đa phần dễ tin vào những điều mình đọc được. Họ thiếu kiên nhẫn trong tiếp nhận, tìm hiểu thông tin trước khi chia sẻ và đây là một trong những yếu tố cơ bản trong việc hình thành, lan truyền tin giả.

TS Giang bày tỏ, nhiều người dùng có tâm lý cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo, không phải chịu trách nhiệm nên có thể tự do phát ngôn. Số khác lan truyền fake news vì tin tưởng những điều bạn bè đăng tải, chia sẻ mà không nghĩ đến việc xác thực lại trên báo chí hoặc các nguồn chính thống.

Động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả này có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức hoặc đơn giản để được tăng tương tác trên mạng. “Dù với mục đích gì, những hệ quả tin giả gây ra đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau của xã hội, trong đó có những hệ quả nghiêm trọng”, bà Giang nói.

Cách nhận biết tin thật, giả

Bộ Công an cho biết, hiện trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Do đó, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

Ngoài ra, người dân có thể kiểm chứng cơ sở nguồn tin bằng cách kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin; thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org…). Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh).

Bộ Công an đề nghị người dân kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

“Khi đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; không thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật…” – Bộ Công an khuyến cáo và đề nghị người dân đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.


Nguồn:Báo Tiền Phong Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website