A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng kỳ vọng lớn vào Hiệp định CPTPP

Báo cáo nghiên cứu tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng được ban hành tại Quyết định số 712/QĐ-UBND phê duyệt mới đây cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu cho biết có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ khi Hiệp định có hiệu lực là khá lớn.

Cụ thể, theo đánh giá của doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu được khảo sát, từ khi hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, hoạt động xuất/nhập khẩu của một tỷ lệ lớn doanh nghiệp trả lời là có tăng, cụ thể: Tăng mạnh chiếm 8,8%; Tăng không đáng kể 23,5%; Không thay đổi chiếm 17,7%; Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tình hình giảm xuất/nhập khẩu tại thị trường CPTPP chiếm 11,7%, trong đó Giảm không đáng kể chiếm 8,8%; Giảm mạnh chiếm 2,9%. Nguyên nhân của sự giảm sút này được các doanh nghiệp này cho biết chủ yếu là do tình kinh kinh tế vĩ mô bất lợi hoặc do tác động của đại dịch Covid-19.

Liên quan đến vấn đề tác động của Hiệp định CPTPP dưới góc nhìn của doanh nghiệp Đà Nẵng, Nhóm nghiên cứu thu được 390 ý kiến phản hồi của doanh nghiệp. Cơ cấu mẫu bao gồm gần 41,7% là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo (sản phẩm máy móc, thiết bị; thiết bị điện, điện tử, linh kiện các loại; kim loại các loại; chế biến gỗ, đồ nội thất; chế biến thực phẩm từ thủy hải sản, sản xuất gia công hàng may mặc… và xấp xỉ 58,3% doanh nghiệp có phản hồi là hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó thương mại chiếm khoảng 21,5%, 9,4% trong lĩnh vực vận tải, kho bãi hay logistics; 27,4 % dịch vụ khác. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu chiếm xấp xỉ 31,2% doanh nghiệp được khảo sát trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Về các lợi ích cụ thể được kỳ vọng, các cơ hội liên quan tới thương mại hàng hóa - ưu đãi thuế quan khi xuất/nhập khẩu sang/từ thị trường khu vực CPTPP đứng đầu với 69,6% doanh nghiệp lựa chọn; và Chi phí logistics cũng như các dịch vụ liên quan thương mại xuyên biên giới sẽ giảm được 65,2% doanh nghiệp được khảo sát đồng tình. Cơ hội hợp tác-liên doanh với các đối tác nước ngoài cũng là một trong những kỳ vọng được tỷ lệ cao các doanh nghiệp tại Đà Nẵng mong đợi đạt 63,0%; tiếp đến là nhóm các cơ hội về một môi trường kinh doanh được cải thiện thuận lợi (56,5%); mở rộng thị trưởng, tiếp cận thêm nguồn đơn hàng, khách hàng (50,5%); góc độ quản lý, các thủ tục xuất nhập khẩu ở Việt Nam sẽ thuận lợi, ít tốn kém hơn (30,4%) và cơ hội tham gia sâu hơn và có giá trị gia tăng cao hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu (19,6%). Qua những đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, một FTA thế hệ mới ngoài những tác động trực diện về thuế quan, thuận lợi thương mại hàng hóa thì các các cơ hội kết nối hệ thống đối tác và cải thiện góc độ thể chế, quản lý cũng được kỳ vọng tác động khá sâu sắc.

Linh hoạt kế hoạch điều chỉnh chuẩn bị cho CPTPP và các FTA

Ba hướng điều chỉnh đạt tỉ lệ chọn cao nhất của doanh nghiệp đều tập trung vấn đề đào tạo, bao gồm: Đào tạo kỹ năng quản lý (39,4% doanh nghiệp phản hồi), chuyên môn người lao động (35,2%) và kỹ năng về hội nhập và hoạt động ngoại thương (33,8%). Kế hoạch về tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cũng được các doanh nghiệp định hướng trong thời gian sắp tới với 33,8% doanh nghiệp phản hồi. Các vấn đề tiếp theo được doanh nghiệp quan tâm đó là Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại (22,5%); Cải thiện công nghệ (22,5%); và Tăng vốn đầu tư (21,1%).

Đáng chú ý, các vấn đề trực tiếp liên quan với tiêu chuẩn, chất lượng đầu ra để có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ, quy trình, tiêu chuẩn quốc tế trong bối cảnh hội nhập thì chưa được doanh nghiệp quan tâm xứng đáng, như Chuyển đổi nguồn đầu vào, quy trình sản xuất (7,0%) do vấn đề này chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu lựa chọn; các vấn đề mới, tiên tiến cũng chưa được định hình rõ nét như Đạt các tiêu chuẩn quốc tế về lao động (15,5%) hay Đạt chứng nhận môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (2,8%), cho thấy doanh nghiệp chưa có nhận thức dài hạn về các tiêu chuẩn cao hơn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt như hiệp định CPTPP. 

Đề xuất hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định

Theo doanh nghiệp được khảo sát lựa chọn, đề xuất hỗ trợ về Đào tạo kiến thức kinh tế quốc tế, nghiệp vụ ngoại thương, luật thương mại quốc tế, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác chiếm đến 53,8%, tỷ trọng cao nhất.

Tiếp theo là các đề xuất về hỗ trợ thông tin như Phổ biến thông tin về các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế (38,5%); Hỗ trợ thông báo kịp thời các rủi ro tiềm ẩn từ các thị trường nhạy cảm đến cộng đồng doanh nghiệp thông qua mạng xã hội trên Internet (34,6%); Có các hình thức thông tin hai chiều giữa cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp (định kỳ cung cấp thông tin, tham vấn với doanh nghiệp về việc thay đổi/điều chỉnh chính sách…) (32,7%); Cung cấp thông tin thị trường tiềm năng, bán hàng qua các cơ quan ngoại giao, thương vụ, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường (25,0%).

Đề xuất về hỗ trợ thủ tục hành chính, ở đây cụ thể là Xúc tiến thủ tục hải quan điện tử, C/O điện tử, thuế điện tử, chính sách một cửa để tạo thế cạnh tranh chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp cũng được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn, chiếm tỷ lệ 36,5%. Các đề xuất hỗ trợ khác từ doanh nghiệp được khảo sát lần lượt là Các biện pháp hỗ trợ về tài chính, vay vốn (tỷ lệ khá cao với 30,8% doanh nghiệp khảo sát); Hỗ trợ về công tác quản lý, đặc biệt là các kỹ năng quản lý rủi ro, kinh nghiệm ứng xử khi có tranh chấp, kiện tụng (19,2%); Hỗ trợ về chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin, thương mại điện tử) (15,4%).


Tác giả: Ngọc Hân

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website