TP HCM “từng bước hồi phục kinh tế" theo chỉ thị 18
Ngày 1/10, Chủ tịch UBND TP HCM đã ký ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, đối với công tác tiêm vaccine, TP HCM đa dạng hóa nguồn vaccine, huy động mọi nguồn lực đáp ứng tỷ lệ tiêm vaccine theo tiêu chí của Bộ Y tế, hướng đến bao phủ vaccine toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Triển khai tiêm vaccine cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vaccine phù hợp.
Về xét nghiệm, TP HCM thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3 và 4 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Ảnh minh hoạ
TP HCM thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe, các bến xe và phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học... Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên định kỳ.
Tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định những biện pháp theo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm hiện có (F0 đã phát hiện), kịp thời phát hiện nguồn lây nhiễm mới bằng các kế hoạch xét nghiệm tuỳ theo cấp độ nguy cơ.
Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà
Về chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng, TP HCM ban hành quy trình phát hiện và xử lý khi có F0 trong cộng đồng và trong quy khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động. Có kế hoạch vận hành hiệu quả mô hình Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn; đảm bảo 100% các Trạm Y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác chăm sóc F0 tại nhà.
Trong công tác điều trị, tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể; bố trí đủ số giường hồi sức tích cực theo tiêu chí của Bộ Y tế. TP HCM nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh.
Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19; có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.
Phát triển tổng đài 1022 thành cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực
Về ứng dụng công nghệ, Chỉ thị 18 nêu rõ, TP HCM sử dụng ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải.
Yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP HCM phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 8/10, các cơ quan đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện quét mã QR (trên điện thoại thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch, sử dụng dịch vụ để kiểm soát và tổ chức hoạt động.
Thực hiện đánh giá cấp độ thích ứng an toàn của từng tổ dân phố, tổ nhân dân và cập nhật thường xuyên trên bản đồ số. Nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan hành chính nhà nước và tỷ lệ sử dụng của người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Phát triển, khai thác hiệu quả kho dữ liệu dùng chung của TP HCM với dữ liệu lớn (big data); liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP HCM (HCM LGSP).
Xây dựng cổng thông tin COVID-19 thành cổng cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ và chính xác về tình hình dịch bệnh; phát triển hệ thống bản đồ số phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới, đồng thời cung cấp nhiều tiện ích cho người dân TP HCM; phát triển tổng đài 1022 thành cổng thông tin hợp nhất, đa ngành, đa lĩnh vực, là kênh giao tiếp đa phương tiện giữa người dân và chính quyền các cấp của TP HCM.
Đảm bảo an sinh xã hội và ổn định trật tự, an toàn xã hội
TP HCM triển khai hỗ trợ đợt 3 để trợ cấp cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP HCM theo Nghị quyết 97 của HĐND TP HCM. Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19; phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm An sinh TP HCM, không ngừng cải thiện chất lượng sinh hoạt đời sống của người dân. TP HCM triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, củng cố lực lượng lao động trở lại sản xuất, kinh doanh, không để thiếu hụt lao động.
Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khoẻ điện tử (đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động);
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: 1 - là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; 2 - đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Đối với hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát lưu thông
Đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh, thành phố được thuận lợi, phục vụ đời sống nhân dân và đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP HCM phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở GTVT; phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vị TP HCM.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ GTVT và quy định của Bộ Y tế. Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh…), tổ chức vận chuyển người lao động về TP HCM và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở GTVT.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với khách hàng (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương.
Tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Tại các chốt kiểm soát này, tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Tăng cường kiểm soát lưu động theo tình hình thực tế, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tránh ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát.