A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương từ ngày 19-25/7/2021

“Hai ngành Công Thương – Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân các địa phương không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, trong mọi tình huống…”, tinh thần này đã được lãnh đạo Bộ, Bộ Công Thương hiện thực hóa bằng một loạt các hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân, cũng như tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong lưu thông hàng hóa, ổn định giá cả thị trường.

Nhờ công tác chỉ đạo kịp thời, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành địa phương, thị trường hàng hóa tại khu vực TP HCM và các tỉnh phía Nam dù có lúc thiếu cục bộ, giá cả biến động, một số mặt hàng tăng cao, đến nay đã dần dần ổn định. Hàng hóa về đầy ắp các siêu thị, nhiều chợ truyền thống đã mở lại, khâu lưu thông phân phối trước nguy cơ đứt gãy… cũng đã được tạo một luồng xanh riêng để đưa hàng hóa thiết yếu vào thành phố.

Đây cũng là hoạt động nổi bật của lãnh đạo Bộ Công Thương trong tuần từ ngày 19-25/7/2021 cùng với nhiều cuộc làm việc, những quan điểm chỉ đạo, điều hành nhất quán, thiết thực và hiệu quả liên quan đến các lĩnh vực của ngành.

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương tổng hợp và giới thiệu tới bạn đọc.

Kiến nghị một số giải pháp để phát triển công nghiệp

Tại phiên họp tổ chiều ngày 22/7 về giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm cũng như các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng còn quá nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Nhất là khi chúng ta đang cố duy trì ổn định kinh tế, thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm tốc độ cao, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đang phải ưu tiên chống dịch.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm tập trung ngăn chặn dịch, cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân, nếu không làm được hai việc đó thì chúng ta chưa thể tính tới việc khác. Chúng ta dự báo kế hoạch cho cả năm 2021 rất khó thực hiện được theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, tuy nhiên, quan trọng nhất là vỡ như TP HCM kiểm soát được đã là thắng lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đưa ra đề xuất về việc cần có những đánh giá đối với những điểm được, chưa được với chiến  lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua, trên cơ sở đó, cần được rút kinh nghiệp cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị giai đoạn tới cần tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước để khai thác tối đa thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Cùng với đó cần nâng cao tính tự chủ về thị trường để thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng trong tăng trưởng khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Còn tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, chiều 25/7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển, đồng thời cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá kỹ hơn kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong những năm qua để từ đó có chủ trương, chính sách đủ mạnh, đồng bộ và khả thi để phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, chế tạo và điện tử…

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Về công tác chỉ đạo, điều hành cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn hết sức khó lường, số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan rộng trong khu vực dân cư, nhất là các khu vực có đông người lao động của các doanh nghiệp KCN sinh sống. Dịch bệnh đã gây ra hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và nhân dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều địa phương trong cả nước đã ban bố tình trạng khẩn và áp dụng hình thức giãn cách xã hội theo mức cao nhất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai nhiệm vụ cấp bách được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại Hội trường ngày 25/7 là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm, vật tư ý tế, thuốc men cho người dân.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nhiệm vụ thứ hai được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện với yêu cầu: Trong mọi hoàn cảnh không bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.

Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất, cung ứng hàng hóa, phân định rạch ròi nhiệm vụ của mỗi Ngành, đồng thời lập Tổ công tác tiền phương để cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Theo đó, Ban chỉ đạo, tổ công tác đã gấp rút xây dựng phương án và triển khai quyết liệt 3 nhiệm vụ chính. Một phối hợp cùng chính quyền, Sở Công Thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16. Hai là khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương, các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường. Ba là sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương thiếu cục bộ. Trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt đều phải có báo cáo hàng ngày cho Lãnh đạo Bộ để kịp thời tháo gỡ và xử lý những vấn đề phát sinh.

Ban Chỉ đạo và Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo đã có nhiều cuộc làm việc các Bộ, ngành liên quan cũng như các sở ngành của thành phố để tăng nguồn cung, đảm bảo giá cả hợp lý. Trong đó, một số kiến nghị đề xuất nổi bật của Bộ Công Thương trong tuần qua là: đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cũng như các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp để tạo điều kiện cho các chợ truyền thống mở cửa trở lại, nhằm giảm áp lực phân phối hàng hóa cho các kênh siêu thị và tạo điều kiện cho người dân khi mua hàng. Đồng thời kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, tạo luồng xanh để các nhà phân phối, doanh nghiệp có thể đưa hàng hóa vào các vùng dịch, vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cần làm rõ, hướng dẫn cụ thể các quy định khi áp dụng việc siết chặt Chỉ thị 16/CT-TTg để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó cho phù hợp, hiệu quả.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Đề nghị mở các điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối TP HCM

Sáng 24/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt đã khảo sát công tác phòng chống dịch và phương án tổ chức trạm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Thủ Đức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8).

Nhận định, các chợ đầu mối giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhưng hiện nay cả 3 chợ đầu mối đang bị đóng cửa nhằm phòng chống dịch. Qua khảo sát thực tế, ý kiến của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, Ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, việc từng bước tổ chức trạm tập kết, trung chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu ngay tại 3 chợ đầu mối này là cần thiết.

Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã nhất trí việc sớm mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối của TP HCM.

Hai Bộ đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các Sở, ngành liên quan căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của từng chợ để nghiên cứu, tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối các quy định của các cấp có thẩm quyền, ngành y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Sớm đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động năm 2022

Ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã tham gia đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được xác định là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình, có vai trò quan trọng bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Trong quá trình triển khai, Dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí có những sai phạm đã được các cơ quan chức năng kết luận, xử lý theo đúng quy định và cũng đã xác định được biện pháp khắc phục đối với Dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định quyết tâm đưa cả hai tổ máy của nhà máy vào vận hành thương mại vào cuối năm 2022. Về nguồn lực, PVN sẽ nỗ lực để có thể bảo đảm hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án, sẽ có các cơ chế hỗ trợ tổng thầu và phân cấp, ủy quyền tối đa trong phạm vi thẩm quyền của Ban Quản lý dự án.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, phải giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho Ban Quản lý Dự án, nếu cá nhân, nhà thầu nào không đủ năng lực, không có quyết tâm thì thay ngay. Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý, tỉ lệ chạy thử của dự án mới đạt 13% là thấp, cần đẩy nhanh hơn nữa mới bảo đảm mục tiêu tiến độ đề ra.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, những vấn đề lớn đối với dự án đã được Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết tại nhiều văn bản và gần đây nhất, tại cuộc họp ngày 15/7 vừa qua. Cuộc làm việc hôm nay là nhằm đôn đốc tiến độ thực hiện các hạng mục còn lại của Dự án, xác định các công việc trọng tâm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các việc cũ liên quan sai phạm thì đã giao các cơ quan kết luận, làm rõ. Việc cần làm là tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành trong năm 2022.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Bộ Công Thương tri ân các thương, bệnh binh tại Thái Bình

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2021), chiều ngày 23/7, Đoàn công tác của Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam do Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ, những năm qua, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương luôn dành sự quan tâm đặc biệt với những người có công với cách mạng. Các đơn vị trong ngành thường xuyên đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn” với nhiều hoạt động thiết thực.

Nhân dịp này, Đoàn công tác của Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã trao tặng Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình phần quà trị giá 100 triệu đồng.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Lập dự án đầu tư phải lựa chọn thiết bị công nghệ tiết kiệm nhiên liệu

Ngày 20/7/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1818/QĐ-BCT nhằm triển khai kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Theo đó, Bộ Công Thương đã giao Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, các Sở Công Thương đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm việc thực hiện Đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt.

Các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Hóa chất phối hợp với Cục ATMT để thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án xử lý tro, xỉ, thạch cao do các cơ sở phát thải lập và phê duyệt.

Với việc hoàn thiện công tác hướng dẫn hạch toán chi phí liên quan đến xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón đối với những chi phí mà quy định hiện hành chưa có. Bộ giao Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch xây dựng nội dung hướng dẫn hạch toán chi phí liên quan đến xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao FGD của các nhà máy nhiệt điện đối với những chi phí mà quy định hiện hành chưa có, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền…

Chi tiết bài viết, xem tại đây


Tác giả: moit.gov.vn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website