A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu hoàn thành những mục tiêu của dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)

Ngày 26/3, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan và EVN, EVNNPT – chủ đầu tư để kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện các dự án Đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng chủ trì cuộc họp.

Đây là lần thứ 2 trong tháng 3/2024, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với các đơn vị có liên quan về các dự án Đường dây 500 kV mạch 3.

Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, cơ quan giúp việc của Ban chỉ đạo và chủ đầu tư Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT). Hội nghị được kết nối trực tuyến tới UBND 9 địa phương có đường dây 500kV mạch 3 đi qua (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

Tại cuộc họp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo tình hình thực hiện các dự án Đường dây 500kV mạch 3. Theo đó, tính cho đến nay, dự án đã hoàn thành ký kết hợp đồng cho 225/226 gói thầu, còn 01 gói thầu cung cấp kháng điện của Dự án Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã có Quyết định số 446/QĐ-EVNNPT ngày 21/03/2024 của EVNNPT về việc hủy thầu; hiện đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn lại nhà thầu. Để đảm bảo tiến độ đóng điện của các dự án, EVNNPT đã có kế hoạch điều động vật tư hiện có trên lưới phục vụ cho công trình 500kV mạch 3.

Về công tác giải phóng mặt bằng, 04 dự án đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1177/1177 (100%) vị trí móng cột và 218/503 (~43,34%) khoảng néo, còn 285/503 KN chưa bàn giao mặt bằng (cụ thể gồm: Quảng Bình còn 10/10 khoảng néo; Hà Tĩnh còn 78/112 khoảng néo; Nghệ An còn 68/88 khoảng néo; Thanh Hóa còn 70/138 khoảng néo; Ninh Bình còn 05/09 khoảng néo; Nam Định còn 24/54 khoảng néo; Thái Bình còn 11/47 khoảng néo; Hải Dương còn 13/31 khoảng néo;  Hưng Yên còn 06/14 khoảng néo).

Về công tác thi công xây dựng, đang triển khai đồng loạt trên toàn tuyến được 1176/1177 vị trí (99,99%), còn 01 vị trí 127 đang thỏa thuận chi phí đền bù với hộ dân để làm đường vào thi công, hoàn thành đúc móng được 319/1177 vị trí. Đã nhận và bàn giao đến công trường 104/1177 cột thép. Hoàn thành lắp dựng 23/1177 cột thép, đang lắp dựng 49/1177 cột thép.

Về công tác thực hiện 4 tại chỗ, chủ đầu tư cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, xem xét huy động lực lượng tại chỗ có đủ năng lực tham gia thực hiện đối với các công việc đơn giản, dễ làm theo đúng thiết kế đã được phê duyệt như đào móng, thi công móng cột, với nguyên tắc “ai làm tốt ơn thì để người đó làm” để tổ chức triển khai nhanh nhất bảo đảm tiến độ đề ra, vừa huy động sức mạnh của nhân dân, vừa tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương có dự án đi qua”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tại Thông báo số 55/TB-BCT ngày 12/3/2024, EVNNPT đã cung cấp cho địa phương hồ sơ, bản vẽ liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các vị trí móng cột và hành lang tuyến còn lại. Kết quả thực hiện đến nay: đã hoàn thành công tác đo vẽ và trình ký Sở Tài nguyên - Môi trường của 09/09 tỉnh, hiện đang triển khai công tác bàn giao trên thực địa để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hành lang tuyến cho cả 04 Dự án; Phối hợp với các địa phương xử lý những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành bàn giao mặt bằng móng cột trong tháng 02/2024, hành lang tuyến trước ngày 15/3/2024; hoàn thành 218/503 khoảng néo. Hiện nay, EVNNPT và các Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung đang tiếp tục khẩn trương phối hợp với các địa phương để lập và phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng.

Tại cuộc họp, đại diện EVN cũng nêu một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Xuyên tiếp tục quan tâm sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc trường hợp hộ dân chưa thống nhất với mức đền bù theo quy định tại vị trí 127 để được vào thi công trong tháng 3 năm 2024; UBND các huyện và các cơ quan liên quan sớm phê duyệt phương án bồi thường phần mặt bằng móng cột, hoàn thành trong tháng 3/2024 để chủ đầu tư hoàn tất công tác bồi thường cho người dân, doanh nghiệp; UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm để hoàn thành bàn giao các khoảng néo còn lại để Chủ đầu tư chuẩn bị công tác thi công kéo dây; Các tỉnh có dự án đi qua chỉ đạo UBND các huyện/Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện khẩn trương kiểm kê, kiểm đếm, xác định số nhà/hộ dân phải di dời tái định cư để thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo an toàn hành lang tuyến để đóng điện công trình trong tháng 6/2024; UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Sở, Ban, Ngành tạo điều kiện sớm thẩm tra, phê duyệt khi chủ đầu tư trình hồ sơ tác động vào rừng để làm đường tạm, bãi tạm phục vụ thi công.

Cũng tại cuộc họp, đại diện của 9 địa phương có đường dây đi qua và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thủ tục, hỗ trợ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...

Sau khi nghe báo cáo của EVN, ý kiến phát biểu của các địa phương và các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đánh giá cao những kết quả của chủ đầu tư và các địa phương đã đạt được trong hai tuần vừa qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã chỉ ra một số những hạn chế như công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đến nay mới chỉ đạt 43,04%, tăng 11,53% so với cuộc họp giao ban ngày 12/3/2024; còn 285 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng (trong đó tỉnh Quảng Bình còn 9 khoảng néo, tỉnh Hà Tĩnh còn 79 khoảng néo, tỉnh Nghệ An còn 68 khoảng néo, tỉnh Thanh Hóa còn 70 khoảng néo, tỉnh Ninh Bình còn 5 khoảng néo, tỉnh Nam Định còn 24 khoảng néo, tỉnh Thái Bình còn 11 khoảng néo, tỉnh Hải Dương còn 13 khoảng néo, tỉnh Hưng Yên còn 6 khoảng néo chưa bàn giao). Một số vị trí hố móng, cột tuy đã được bàn giao nhưng không có mặt bằng thi công hoặc việc đưa máy móc, thiết bị, vật tư đến địa điểm thi công còn khó khăn. Tiến độ thi công trên công trường của một số dự án còn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tư lệnh ngành Công Thương cũng chỉ ra 03 nguyên nhân cơ bản cần phải khắc phục là: việc bàn giao hồ sơ, cơ chế chính sách đền bù còn chậm dẫn đến việc chậm bàn giao mặt bằng; nhiều vị trí công trình rất hiểm trở, khó tiếp cận, khó thi công; việc huy động máy móc, thiết bị, vật tư ở một số nơi còn chưa đạt yêu cầu.

Nhằm đạt được mục tiêu đưa công trình vào khai thác trước ngày 30/6/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ như sau:

Đối với UBND các tỉnh có dự án đi qua: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân trong vùng dự án đồng thuận, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng hành lang tuyến, các khoảng néo trong tháng 3/2024. Đảm bảo các dự án có thể triển khai thi công kéo dây vào đầu tháng 4/2024, muộn nhất là 10/4 phải kéo dây; tiếp tục hỗ trợ Chủ đầu tư và Nhà thầu trong việc thỏa thuận, mở đường vào thi công và bãi tập kết nguyên vật liệu để triển khai thi công, đặc biệt là một số vị trí đang gặp khó khăn chưa thể triển khai thi công như vị trí 127 thuộc Dự án ĐD 500 kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu trên địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, hướng dẫn Chủ đầu tư và các địa phương trong việc thực hiện triển khai Nghị định số 27/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 để kịp thời hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyển tải điện quốc gia, Bộ trưởng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có hồ sơ về kỹ thuật cũng như khung chính sách bồi thường hợp lý trong tháng 3/2024 dựa trên thực tế các địa phương đã và đang triển khai, đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tiến độ bàn giao mặt bằng trên toàn tuyết của dự án; Sớm hoàn thành các thủ tục lựa chọn lại các nhà thầu cung gói thầu kháng điện của dự án Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, nhằm khẩn trương lựa chọn được các nhà thầu cung cấp thiết bị vật tư, nguyên liệu cho khâu hoàn thiện.

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, bảo đảm chất lượng kỹ thuật nhưng vẫn phải đúng quy định của pháp luật; Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Nhà thầu tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt là những vị trí qua địa hình khó khăn, những vị trí thời gian qua bị ảnh hưởng bởi thời tiết để có thể bù tiến độ, đảm bảo hoàn thành trước thời hạn 30/6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Chú trọng kiểm tra, giám sát các nhà thầu bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn khi thi công, bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật của công trình và hoàn trả mặt bằng theo đúng yêu cầu; Phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan để làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân nơi có dự án đi qua để người dân không chỉ ủng hộ trong quá trình thi công dự án mà còn bảo vệ đường dây và công trình điện trên tuyến trong tương lai.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website