A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

4 ngành công nghiệp hỗ trợ được Khánh Hòa ưu tiên phát triển

Căn cứ vào mục tiêu chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và định hướng phát triển của ngành công nghiệp, Khánh Hòa xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 sẽ tập trung vào các ngành mũi nhọn gồm cơ khí, dệt may-da giày, điện tử, thiết bị điện và công nghiệp công nghệ cao.

Đặt mục tiêu công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa

Trong đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chính; Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sức hút để các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Khánh Hòa làm điểm đến đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp và gián tiến để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Xây dựng và hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liên ngành phục vụ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, căn cứ vào mục tiêu chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và định hướng phát triển của ngành công nghiệp, Khánh Hòa xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 như sau:

Phát triển công nghiệp hỗ trợ từng bước từ thấp đến cao, từ sản phẩm có trình độ công nghệ đơn giản đến phức tạp, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên cơ sở phát huy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh kết hợp với thu hút các nhà đầu tư mới; Nâng cao trình độ lao động và bố trí các nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ngành cơ khí: Đẩy mạnh phát triển ngành chế tạo máy móc thiết bị và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí làm động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ chung. Đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ cho mỗi chuyên ngành công nghiệp phù hợp với những đặc điểm riêng của từng chuyên ngành.

Đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận chuyển giao và đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất theo hướng sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện môi trường.

Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất ở các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản phẩm như các khâu thiết kế, tạo mẫu, chế tạo khuôn mẫu, chế tạo các linh kiện phức tạp, có độ chính xác cao.... đòi hỏi công nghệ hiện đại.

Khánh  Hòa: Xác định 4 lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: 

Duy trì, tăng cường năng lực các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành Dệt may, đặc biệt khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm nhằm thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh về số lượng, mẫu mã, chất lượng.

Đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ ngành da giày nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành. Nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới. Ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng cho sự phát triển bền vững của ngành Dệt May - Da giày.

Công nghiệp điện tử, thiết bị điện: 

Hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất linh kiện điện tử để cung cấp linh kiện cho các nhà lắp ráp sản phẩm cuối cùng.

Chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại về sản xuất linh phụ kiện điện tử, điện lạnh, viễn thông, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung chú trọng vào khâu thiết kế, tạo khuôn mẫu, chế tạo linh kiện, màn hình,... thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đẩy mạnh lắp ráp và sản xuất các sản phẩm điện tử chuyên dùng; máy tính và thiết bị văn phòng; thiết bị viễn thông; thiết kế mạch in, chip điện tử, bo mạch điều khiển và và lĩnh vực phần mềm.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao

Hình thành, phát triển các doanh nghiệp sản xuất thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này.

UBND tỉnh đã dành 7.770 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn, với lãi suất thấp để mua máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm. Trong đó, kinh phí ngân sách địa phương 5,820 tỷ đồng; nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của trung ương 1.950 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí của địa phương, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ chương trình khác như xúc tiến đầu tư, quỹ phát triển khoa học - công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại. Đồng thời, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh, tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện. Sở Công Thương Khánh Hòa cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định về việc triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương.


Tác giả: An Nghiệp

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website