A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất nhập khẩu điện thoại và linh kiện chiếm tỷ trọng cao, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện thoại và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của cả nước.

Xuất khẩu

Tháng 12/2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam ước đạt trên 5,61 tỷ USD, tăng 4,97% so với tháng trước còn so với tháng 12/2020 tăng 21,87%. Tính đến hết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước đạt 57,53 tỷ USD, tăng 12,41% so với năm 2020 và chiếm trên 17,11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong tháng 12/2021, xuất khẩu điện thoại và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 5,37 tỷ USD, tăng 0,75% so với tháng trước, so với tháng 12/2020 tăng 20,34%, chiếm 95,76% tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong tháng. Lũy kế năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 56,93 tỷ USD, tăng 13,81% so với năm 2020 và chiếm 98,96% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước. Cũng trong tháng 12/2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của điện thoại Việt Nam với kim ngạch đạt 1,61 tỷ USD, giảm 6,29% so với tháng trước. Thị trường Hoa Kỳ đạt trên 955,4 triệu USD, tăng 10,45%. Đứng thứ 3 là EU đạt 787,45 triệu USD, giảm 0,23% so với tháng 11/2021.

Tính đến hết năm 2021, các thị trường chính xuất khẩu điện thoại và linh kiện của nước ta gồm có: Hoa Kỳ, Khối EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE. Tỷ trọng xuất khẩu sang 5 thị trường chính này đã chiếm tới trên 70,54% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 chiếm 18,7% và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay (năm 2016 chiếm 19,5%, năm 2017 chiếm 21,2%; năm 2018 chiếm 20,3%; năm 2019 chiếm 19,4% và năm 2020 chiếm 18,1%). Xuất khẩu điện thoại và linh kiện dẫn đầu trong 6 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy vi tính và linh kiện; dệt may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện từ năm 2010 mới chỉ đạt 2,3 tỷ USD. Nhưng đến 2015, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 30,2 tỷ USD, tăng 1304%, là mức tăng trưởng cực kì ấn tượng sau 5 năm. Từ 2015 đến 2016, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 34,5 tỷ USD, tăng 14,2% . Năm 2017, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 45,6 tỷ USD, tăng 32,1%. Năm 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,4 tỷ USD, tăng 3,8%. Năm 2020, giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 51,2%.

Có nhiều yếu tố tác động đến việc xuất khẩu các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong giai đoạn từ 2018 đến 2021. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khởi đầu vào ngày 22 tháng 3 năm 2018 khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ đô la Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Hiện nay Samsung là tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại lớn nhất của nước ta. Doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung giảm mạnh trong năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới, trong đó có ngành điện tử. Dù vậy, ngành sản xuất điện tử, điện thoại của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và từng bước phục hồi. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021.

Trong vài năm trở lại đây, điện tử đã trở thành ngành công nghiệp trọng yếu của nền kinh tế, do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử trong bối cảnh Covid và tiếp tục là cơ sở để phát triển xuất khẩu các mặt hàng này trong những năm tiếp theo, cụ thể như sau:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)  để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện điện tử.

Về phía doanh nghiệp, chủ động thích nghi là biện pháp tốt nhất, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Đặc biệt là làn sóng lây nhiễm vào các khu công nghiệp không ngừng ra tăng. Doanh nghiệp chủ động các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất, lưu trữ thông tin, khai báo y tế với tất cả cán bộ công nhân viên và khách. Doanh nghiệp cũng đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, Chloramine B, khẩu trang… Tăng cường tuyền truyền về phòng chống dịch bệnh trên mọi phương tiện thông tin. Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc khâu rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần ca nhiễm F0. Cùng với đó là các biện pháp như khử khuẩn, đo nhiệt độ, thực hiện đầy đủ 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây...

Như vậy, để thúc đẩy xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cần sự phối hợp của cả phía doanh nghiệp và sự điều hành của Chính phủ để đạt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế và vừa chống dịch một cách hiệu quả.

Nhập khẩu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 12/2021, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước ước đạt trên 2,27 tỷ USD, giảm 2,79% so với tháng trước và tăng 9,4% so với tháng 12/2020. Tính đến hết năm 2021, nhập khẩu điện thoại của cả nước đạt 21,43 tỷ USD, tăng 28,77% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm trên 6,45% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Tháng 12/2021, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 2,13 tỷ USD, giảm 1,93% so với tháng trước và tăng 8,46% so với tháng 12/2020 và chiếm 93,68% tổng kim ngạch nhập khẩu. Lũy kế năm 2021, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện của khối doanh nghiệp FDI đạt 20,29 tỷ USD, tăng 31,12% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 94,67% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong tháng 12/2021, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt trên 1,17 tỷ USD, giảm 5,6% so với tháng trước, so với tháng 12/2020 giảm 0,02%, chiếm 51,72% kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện.

Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt trên 979,6 triệu USD, tăng 1,52% so với tháng trước, so với tháng 12/2020 tăng 25,33% và chiếm tỷ trọng 43,05% kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt trên 37,88 triệu USD, giảm 15,89% so với tháng trước, so với tháng 12/2020 tăng 29,56%, chiếm tỷ trọng 1,66% tổng kim ngạch. Tính đến hết năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường là Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ 2 thị trường này chiếm tới 93,15% tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước trong năm 2021.


Tác giả: An Nghiệp

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website