Bộ trưởng Bộ Công Thương tham gia đoàn công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hoa Kỳ
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham dự hơn 10 cuộc làm việc, gặp gỡ song phương cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các Cơ quan quản lý, giới học giả và nhiều Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.
Cụ thể, tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Tọa đàm với các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam, nhất là quyết tâm tháo gỡ những vướng mắc, rào cản, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chia sẻ về những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và bày tỏ hy vọng sớm được đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tin tưởng về hiệu quả kinh tế đạt được; đồng thời cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam để duy trì, bảo đảm cam kết về phát triển bền vững trên địa bàn và mong muốn được chính phủ Việt Nam tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các hoạt động đầu tư thuận lợi, hợp tác lâu dài.
Tiếp đến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự buổi gặp mặt với các thành viên Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và chuyên gia người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đến nay, hoạt động của Mạng lưới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp tham gia các hoạt động. Nhiều thành viên của mạng lưới đã chuyển trụ sở công ty về Việt Nam, không chỉ đem đến lợi ích kinh tế mà còn góp phần chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
Trong tương lai, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ mong muốn sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp nhằm xây dựng cộng đồng khởi nghiệp chia sẻ lẫn nhau để cùng lớn mạnh, đóng góp cho sự phát triển ở nước sở tại và góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Tham dự các cuộc làm việc với ông Jake Siewert, CEO Warburg Pincus, một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu; ông Stephen Schwarzman, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập quỹ đầu tư Blackstone; ông Wally Liaw, nhà sáng lập và là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển kinh doanh Supermicro, Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin; cựu Giám đốc điều hành (CEO) Google Eric Schmidt cùng Lãnh đạo các tập đoàn Apple, Meta.
Tại các cuộc làm việc với các Tập đoàn Năng lượng AES và Pacifico, Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào phát triển các dự án năng lượng tại Việt Nam. Dự án Nhà máy điện khí Sơn Mỹ 2 của Tập đoàn AES hiện đang trong quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi. Để các dự án điện khí có thể phát triển bền vững, hai bên cần tìm ra các giải pháp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Bộ Công Thương hiện đang tiến hành xây dựng dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, tổ chức nhiều cuộc toạ đàm, trao đổi lấy ý kiến các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài, trên cơ sở đó đã đề xuất các cơ chế phù hợp nhất để khuyến khích các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện khí. Bộ trưởng đề nghị AES nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam để hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo NCKT và triển khai thực hiện dự án.
Đối với quan tâm của Tập đoàn Pacifico về tiến trình triển khai Quy hoạch điện 8 và định hướng phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Quy hoạch điện 8 đã định hướng đến năm 2030 phát triển và hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện. Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với PVN, EVN và các đơn vị triển khai các dự án điện gió ngoài khơi được gắn với hình thành hệ sinh thái các trung tâm công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, bao gồm các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng biến, hậu cần phục vụ xây lắp, vận hành, bảo dưỡng; các khu công nghiệp xanh, phát thải các bon thấp; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.
Về hợp tác kinh tế thương mại, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đã xây dựng hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế song phương, trong đó có: 1. Hiệp định Thương mại song phương (Bilateral Trade Agreement - BTA), hai nước ký kết ngày 13 tháng 7 năm 2000và chính thức có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2001, đặt nền móng quan trọng, có tính chất khai mở giúp tạo chuyển biến trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ một cách thực chất và mạnh mẽ. 2. Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) được hai nước ký kết ngày 21 tháng 6 năm 2007, nhằm tăng cường hoạt động đối thoại chính sách trong đó Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối phía Việt Nam, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) là cơ quan đầu mối phía Hoa Kỳ. Thông qua cơ chế này, nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế thương mại song phương đã đạt được kết quả tích cực, đem lại lợi ích quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ phát triển một cách toàn diện, hài hoà và bền vững. Trong năm 2024, Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức các phiên họp Nhóm công tác về Thương mại và Dịch vụ số; Sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hội đồng và đạt được nhiều kết quả tích cực. 3. Đối thoại an ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ: Là cơ chế thường niên trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng, nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và điện lực, cũng như tăng cường các biện pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp hai bên có thêm những dự án hợp tác cụ thể và hiệu quả. Phiên Đối thoại năng lượng tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Hoa Kỳ vào ngày 15/11/2024. 4. Về thương mại: Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. - Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt gần 88 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ 2023), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 78,2 tỷ USD (tăng 26%); nhập khẩu từ Hoa Kỳ 9,7 tỷ USD (tăng 6% so với cùng kỳ 2023). Việt Nam xuất siêu 68,5 tỷ USD sang Hoa Kỳa. 5. Về đầu tư: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng lên tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nhu cầu đa dạng hóa nguồn đầu vào và chuỗi cung ứng đang hỗ trợ Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Hiện Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng (khoảng 1.340 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD). |