A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Thái Nguyên: Bàn giải pháp đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham dự buổi làm việc, có đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản và công nghiệp, thương mại.

Về phía tỉnh Thái Nguyên, có ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành đơn vị liên quan.

Các chỉ số phát triển công nghiệp, thương mại tích cực

Tại buổi làm việc, ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, với sự cố gắng triển khai các phương án, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 7,15% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 45.145 tỷ đồng (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 59,8% kế hoạch năm). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung 7 tháng đầu năm 2024 CPI tăng 3,62% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.368 tỷ đồng; trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 9.492 tỷ đồng.

Về tình hình thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 886/QĐ-TTg ngày 18/7/2023) và các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều Văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện Quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị đến Bộ Công Thương liên quan đến phát triển cụm công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, thương mại... để đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo.  Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ trưởng Bộ Công Thương; sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị của Bộ để tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời giới thiệu các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án, công trình công nghiệp, thương mại, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh… góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị của Bộ đã phát biểu ý kiến hướng dẫn, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Hầu hết các ý kiến phát biểu đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua đã tích cực nắm bắt tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời gợi mở các giải pháp, định hướng để tỉnh tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm phát triển kinh tế của vùng và cả nước.

Đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Thái Nguyên cùng với Bắc Kạn, Tuyên Quang từng được xem như "Thủ đô gió ngàn", "Thủ đô kháng chiến" của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó Thái Nguyên giữ vị trí trung tâm. Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố tạo thành Vùng Thủ đô, có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống giao thông kết nối tương đối đồng bộ, nhất là giao thông kết nối liên Vùng và kết nối quốc tế.

Tỉnh có quỹ đất công nghiệp lớn và nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng (như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân,...); một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, tiêu biểu như vonfram đa kim có trữ lượng đứng thứ hai thế giới, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, Thái Nguyên có bề dày kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp nặng; được xem là "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim cả nước và hiện vẫn là một trong những "thủ phủ" luyện kim.

Tỉnh cũng có nguồn nhân lực với trình độ học vấn khá cao, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. 

"Những điều này đã giúp cho Thái Nguyên có điều kiện rất tốt trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là công nghiệp và thương mại nói riêng", Bộ trưởng cho biết, đồng thời đánh giá cao việc tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị (như Samsung, Masan, Central Retail...). Đây là nền tảng rất quan trọng để tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã khai thác, phát huy khá tốt các tiềm năng, thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và nổi lên là cực tăng trưởng mới của cả nước với tốc độ tăng trưởng khá cao; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, tích cực và bứt phá ở khu vực công nghiệp (với tỷ trọng đạt gần 60% GRDP của tỉnh), đây là thành tựu rất lớn.

Trong 7 tháng đầu năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công thương của tỉnh cơ bản đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước; một số chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Hạ tầng thương mại của tỉnh tương đối phát triển, đứng thứ 2 trong vùng, tạo thuận lợi cho trao đổi mua bán của dân cư và thúc đẩy phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã thẳng thắn đánh giá cụ thể về những hạn chế, khó khăn cần chú trọng khắc phục  trong lĩnh vực Công Thương của Thái Nguyên cũng như chỉ ra các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và gợi mở các giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới để phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng có của địa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của Vùng và cả nước vào năm 2030 như tinh thần Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh Thái Nguyên đã đề ra trong thời gian tới; đồng thời, gợi ý một số giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực Công Thương:

Thứ nhất, đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là một số chính sách mới có hiệu lực thi hành, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định về giảm 2% thuế VAT, chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; nhất là các chính sách mới trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định, thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, chủ động rà soát, cập nhật và đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành quốc gia, bởi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt từ khá sớm, trước khi Quy hoạch Vùng nhiều quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt nên sẽ có những nội dung chưa được cập nhật một cách đầy đủ, đồng bộ trong quy hoạch của tỉnh; đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với quy hoạch tỉnh để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba, khẩn trương chỉ đạo và triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn; tập trung đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai, bảo đảm đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ theo quy hoạch đã được phê duyệt (bởi đến nay Tỉnh đã có đầy đủ cơ sở để triển khai các dự án đã được xác định rõ trong các Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch tỉnh), góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Để trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, Thái Nguyên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh như: Công nghiệp hỗ trợ,  công nghiệp vật liệu, luyện kim, chế tạo, khai thác chế biến sâu các loại khoáng sản, vật liệu, điện tử…, gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp cơ khí chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghệ ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, SXKD, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là đối với các ngành hàng công nghệ cao (như điện tử, máy vi tính và thiết bị điện), công nghiệp vật liệu mới và sản xuất  kim loại.

Thu hút đầu tư khai thác chế biến sâu khoáng sản để tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; thúc đẩy đầu tư công để dẫn dắt, đầu tư các nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (nhất là ở khu vực phía Nam của tỉnh, gắn với sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển SXCN trên địa bàn).

Chủ động triển khai Luật Đất đai 2024 để phát triển quỹ đất sạch, đủ lớn, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, triển khai các dự án lớn, tạo cú huých và động lực mới cho địa phương

Có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành chế biến nông, lâm sản và khai thác nguyên liệu sẵn có; chú trọng hình thành các CCN tại khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các địa phương trong tỉnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Thái Nguyên có 48% diện tích rừng che phủ nên cần chú trọng xây dựng, phát triển thị trường mua bán chứng chỉ carbon. Gắn phát triển thương mại với du lịch và xuất khẩu tại chỗ; nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế ban đêm.

Thứ năm, về phát triển thương mại, Bộ trưởng cho rằng, tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Đồng thời, chú trọng xây dựng kế hoạch quảng bá thươn hiệu sản phẩm, chủ động xây dựng kế hoạch XTTM phù hợp với nhu cầu và năng lực XTTM của doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong XTTM nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh thuộc các lĩnh vực năng lượng, phát triển công nghiệp, khoáng sản, cụm công nghiệp và thương mại của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh đại diện các đơn vị tham gia Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp cơ bản các kiến nghị của tỉnh. Sau hội nghị này, Bộ sẽ có thông báo kết luận chính thức về những nội dung này, trong đó có việc giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

Về phát triển thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia cho địa phương nhất là nông sản, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ cho tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các Bộ, ngành liên quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Luôn đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã đến thăm, thị sát tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Công ty TNG có tiền thân là Xí nghiệp may Bắc Thái, thành lập vào năm 1979. Năm 2007, đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG. Cổ phiếu TNG được niêm yết trên sàn sàn chứng khoán Hà Nội, mã chứng toán là TNG. Vốn điều lệ 1.226 tỷ đồng.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thời - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG cho biết, với giấc mơ làm ra những sản phẩm thời trang của người Việt, thay vì chỉ gia công đơn thuần, sau gần 45 năm không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển, những sản phẩm "Made in TNG" được đông đảo các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao. Trong cơ cấu doanh thu năm 2023 của Công ty TNG, xuất khẩu chiếm 345 triệu USD. Trong đó các sản phẩm vào thị trường Mỹ là nhiều nhất (chiếm 46%); Pháp chiếm 16%; Tây Ban Nha, Nga, Đức chiếm thị phần lần lượt là 7,7%, 6,5% và 5,0%; còn lại là một số thị trường khác ở châu Âu như Canada, Hà Lan.

Đánh giá cao công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG đã đóng góp tích cực cho kinh tế tỉnh Thái Nguyên, giải quyết việc làm cho người lao động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng diên cho rằng, doanh nghiệp đang thể hiện vai trò tiên phong trong chuyển đối số, chuyển đổi xanh, tận dụng rất tốt những hiệp định thương mại tự do, sản phẩm xuất khẩu đã đứng vững được ở các thị trường lớn, khó tính.

Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, TNG cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung. Đồng thời đề nghị Công ty cần thực hiện các chính sách để người lao động gắn bó lâu dài, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương cùng các đơn vị chức năng trong nước và hệ thống thương vụ ở nước ngoài sẽ đồng hành, hỗ trợ để Công ty TNG mở rộng thị trường, góp phần đưa thương hiệu Việt vươn xa.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website