Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024
Sáng 7/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, tập trung thảo luận về công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội quý III, 9 tháng và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024 và trong thời gian tới.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước.
Dự và phát biểu báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình phát triển phục hồi kinh tế - xã hội trong nước tháng 9 và 9 tháng năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao và ổn định. Trong đó, công nghiệp thương mại có bước phát triển mạnh góp phần quan trọng và quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Nổi bật là công nghiệp phục hồi rõ nét, đạt mức tăng trưởng cao, chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng đạt 8,6% so với mức tăng 0,3% của cùng kỳ năm trước), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 0,2%). Đặc biệt chỉ số phát triển công nghiệp tăng ở tất cả các địa phương trên cả nước, nhiều địa phương tăng trưởng cao ở mức 2 con số và ổn định trong nhiều tháng. Các cân đối lớn được bảo đảm như an ninh năng lượng và cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu, các nguyên liệu đầu vào, nguồn cung điện, xăng dầu được bảo đảm phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân. Cùng với đó, thị trường trong nước tiếp tục xu hướng đạt mức tăng trưởng khá cao và ổn định từ đầu năm, mặt bằng giá cả cơ bản ổn định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước. Cho đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 580 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Theo đà tăng trưởng như vậy, khả năng đến cuối năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nước ta có thể đạt 800 tỷ USD. Đặc biệt, hàng xuất khẩu tăng trưởng ở tất cả các nhóm hàng, và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI, đây cũng là tín hiệu rất đáng hoan nghênh, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, cán cân thương mại tính đến thời điểm này suất siêu gần 31 tỷ USD.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, đặc biệt là 3 tháng còn lại trong năm nay, tình hình còn rất nhiều phức tạp khi diễn biến tình tình kinh tế chí trị thế giới khó đoán định. Đây cũng là thách thức của nước ta trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra. Để hoàn thành các mục tiêu của những tháng còn lại và cả năm. Theo đó, để phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị một số giải pháp:
Thứ nhất, các cấp các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (nhất là các cơ chế hỗ trợ về khoanh, hoãn, dãn nợ/ cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi/ hoãn, giảm, dãn nộp thuế/ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi … cho các địa phương để sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.
Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò của Chính phủ để đôn đốc, giám sát và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy cho đầu tư xã hội, đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.
Thứ ba, tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và bất động sản nhằm sớm đưa những nguồn lực này vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế.
Thứ tư, đề nghị các bộ ngành, địa phương chú trọng triển khai các dự án theo quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt (đối với ngành Công Thương, có hai Quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản là hai Quy hoạch góp phần tạo dư địa phát triển cho đất nước, mỗi địa phương và tạo nguồn thu ngân sách rất tốt). Cùng với đó, chủ động nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất cho xuất khẩu.
Thứ năm, đề nghị tiếp tục triển khai các gói kích cầu tiêu dùng nhất là dịp cuối năm kết hợp với việc chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, trong đó chú trọng các loại hàng hóa thiết yếu và tại các khu vực chịu thiệt hại bởi bão lũ. Đề nghị các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương để bảo đảm duy trì nguồn cung đầy đủ, ổn định điện, xăng dầu cho nền kinh tế.
Thứ sáu, chú trọng triển khai lãnh đạo, chỉ đạo, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu thị trường và chỉ đạo sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường FTA mà Việt Nam là thành viên, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà sản xuất tiếp cận, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay Luật đất đai sửa đổi cùng với rất nhiều Nghị định của Chính phủ đã được ban hành, tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải vướng mắc. Nếu không kịp thời hướng dẫn thực hiện, các dự án đầu tư nói chung, trong đó các các dự án về năng lượng, khoảng sản sẽ rất khó để triển khai. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép các Bộ được xây dựng Thông tư hướng dẫn theo hình thức rút gọn để sớm có hướng dẫn nhằm thực thi các Luật, Nghị định đã được ban hành. Bên cạnh đó, tư lệnh ngành Công Thương cũng đề nghị Chính phủ có chủ trương để Bộ Công Thương trình rà soát điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để giải quyết được các vấn đề dự án phát sinh (các dự án điện khí, điện than, điện gió ngoài khơi …).