Thanh Hóa phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp trọng điểm vùng Bắc Trung bộ
Theo Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 5062/QĐ-UBND, Thanh Hóa đặt mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo.
Kế hoạch xác định các nhiệm vụ tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, gồm: Tái cơ cấu ngành công nghiệp; tái cơ cấu ngành năng lượng; tái cơ cấu lĩnh vực Xuất - Nhập khẩu; tái cơ cấu thị trường trong nước, trong tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, xác định các nhóm giải pháp chủ yếu, gồm: (1) Xây dựng cơ chế chính sách phát triển công nghiệp - thương mại, tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai các quy hoạch, các chương trình dự án phát triển công nghiệp - thương mại; (2) Huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương; (3) Cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thực thi Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; (4) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững; (5) Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành, tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công Thương.
Kế hoạch đã chỉ ra mục tiêu là phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả bề rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng phát triển theo chiều sâu. Trong đó có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo. Phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.
Kế hoạch nêu rõ tầm quan trọng của lĩnh vực thương mại dịch vụ, trong đó mục tiêu phát triển nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao với giá trị gia tăng lớn. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, khuyến khích mở rộng thêm các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối truyền thống sang các loại hình phân phối hiện đại.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 16,4%/năm, ngành dịch vụ tăng 8,9% năm; giai đoạn 2026-2030 công nghiệp tăng khoảng 12,1% năm, ngành dịch vụ tăng 8,5% năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 15 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân từ 14,6%/năm. Tỷ trọng doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10% vào năm 2025 và đạt 13% vào năm 2030.
Theo Kế hoạch hành động được ban hành, Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp. Chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Thanh Hóa trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên và năng lượng trong các ngành công nghiệp. Đáng chú ý, việc phát triển sản phẩm cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu và công nghiệp phục vụ phát triển ngành cơ khí tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã giúp ngành công nghiệp hình thành và phát huy hiệu quả; tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác.