Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 6 nhiệm vụ lớn cho lực lượng quản lý thị trường
Sáng ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đại diện Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, Cục quản lý thị trường các địa phương, và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ gồm: Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước, Cục Hóa chất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban cán sự đảng…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị
Trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo
Từ tháng 4/2021 đến nay, đây là lần thứ 4 Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt của Tổng cục Quản lý thị trường, sau đó là 3 cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo chủ chốt của toàn lực lượng Tổng cục. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điều này cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Công Thương với hoạt động của lực lượng quản lý thị trường nói chung và với cán bộ quản lý thị trường nói riêng.
Sau gần 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, bên cạnh mặt tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, lực lượng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. “Chúng ta cần tiếp tục làm tốt hơn những việc đã làm tốt, khắc phục những mặt hạn chế, để lực lượng thực sự là thanh gươm bảo kiếm, lực lượng quan trọng, giúp cho nền kinh tế đất nước nói chung, nhất là hoạt động kinh tế thương mại của ngành Công Thương đảm bảo lành mạnh, góp phần tích cực vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường
Báo cáo kết quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, đúng như dự báo ở cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, tồn kho, quá hạn đã quay trở lại thị trường. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm, xăng dầu là mặt hàng cần kiểm tra đột xuất, do vậy, nhiệm vụ chuyên môn của lực lượng thay đổi rất nhiều. Trong thời gian này, xăng dầu là mặt hàng trọng tâm, trọng điểm mà lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý. Nhờ công tác kiểm tra, kiểm soát sâu sát, gắt gao, hiện tượng gian lận thương mại tại các cây xăng ngày càng giảm.
“Nửa đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện giám sát gần 17.000 cửa hàng cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc và thực kiểm tra trên 1.000 vụ, xử lý gần 190 vụ vi phạm, số tiền xử phạt hành chính trên 5,9 tỷ đồng” – ông Trần Hữu Linh thông tin.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, các mặt hàng như phân bón, vật tư nông nghiệp, đường cát, hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử, thuốc lá điện tử, an toàn thực phẩm… cũng được lực lượng quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
Cũng theo Tổng Cục trưởng, mục tiêu của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2022 là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương giao, do vậy, Tổng cục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong toàn lực lượng quản lý thị trường, đồng thời quán triệt lại vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp. “Năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đặt ra phương châm “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Thủ trưởng nêu gương, Tập thể đoàn kết”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Với những nỗ lực, cố gắng của toàn lực lượng, trong nửa đầu năm, quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 30.527 vụ việc; phát hiện, xử lý 17.305 vụ vi phạm, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ; thu nộp ngân sách đạt gần 137 tỷ đồng. Trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Quản lý thị trường chủ động phối hợp dọc – ngang, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát
Báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng năm 2022 của quản lý thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã có sự phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, ban, ngành khác, đều có quy chế làm việc chung và riêng với các ngành. Hiện nay, Hà Nội đã ký quy chế làm việc với công an thành phố Hà Nội, hải quan, Sở Công Thương và có quy chế chung với 9 ngành khác của thành phố. Qua đó, công tác thông tin được phối hợp tốt. “Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch, tình trạng găm hàng hay liên quan đến xăng dầu… lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp lực lượng chức năng khác thực hiện rất tốt. Nhất là Hà Nội, có thời điểm chuẩn bị điều chỉnh giá xăng dầu, chúng tôi đã phối hợp công an địa phương kiểm tra các cây xăng, đều có thông tin giám sát chặt chẽ và có đường dây nóng, dán trên các cây xăng”, ông Chu Xuân Kiên cho hay.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn; tập trung kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường TP HCM đã ký quy chế phối hợp với công an, sở công thương, bộ đội biên phòng… Kết quả, nửa đầu năm, quản lý thị trường TP HCM đã kiểm tra 967 vụ, xử lý 557 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, đơn vị cũng kiểm tra 83 vụ việc, trong đó có 18 vụ vi phạm.
Đánh giá về việc phối hợp giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ông Quách Tất Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh – cũng ghi nhận, với vai trò là Cơ quan thường trực, Cục Quản lý thị trường Hòa Bình đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp việc cho trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như xây dựng Kế hoạch công tác, chỉ đạo các ngành thành viên, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hoạt động gian lận thương mại trên địa bàn.
Trong khi đó, tại Lạng Sơn, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng hai bên biên giới thường xuyên triển khai, duy trì quân số tại các lán, chốt trên biên giới nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và phòng chống dịch Covid-19, do đó tình hình buôn lậu cơ bản được kiểm soát và không diễn biến phức tạp.
Không chỉ phối hợp giữa các lực lượng khác, công tác phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường với các đơn vị thuộc Bộ cũng có những hiệu quả tích cực. Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Vụ Thị trường trong nước xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp tốt quản lý kinh doanh xăng dầu, an toàn thực phẩm…
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu
Hay thương mại điện tử được xác định là mặt trận mới của lực lượng quản lý thị trường, công tác phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã phát huy hiệu quả. Bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số trong thời gian qua, nhất là việc phòng, chống những hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử. Chẳng hạn như riêng trong năm 2021, Cục đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, lực lượng công an, cung cấp thông tin và phối hợp trong việc xử lý vi phạm với 250 trường hợp website, sàn thương mại điện tử bị quét sai phạm.Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã phối hợp với công an, quản lý thị trường các địa phương xử lý 122 trường hợp.
Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng phát biểu
Đánh giá kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm của lực lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, Tổng cục Quản lý thị trường luôn cố gắng, nỗ lực đạt được nhiều kết quả khích lệ, đáng biểu dương, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, trong đó có nhiệm vụ thanh tra xăng đầu gần đây. “Lực lượng quản lý thị trường đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ thanh tra xăng dầu, để đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu xăng dầu của doanh nghiệp và người dân”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý lực lượng quản lý thị trường cần phân tích rõ hơn tại sao số vụ kiểm tra, xử lý, chuyển cơ quan điều tra, thu nộp ngân sách giảm so với cùng kỳ, để từ đó tìm giải pháp khắc phục tình trạng này.
Về định hướng công tác thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần chú ý góp phần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp. Có giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân và công luận với hoạt động của lực lượng. Cùng đó, cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông.
Giao lực lượng quản lý thị trường 6 nhiệm vụ lớn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương những thành quả lực lượng quản lý thị trường đạt được trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể:
Một là, đã tham mưu, xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách, đề án, tạo hành lang pháp lý và phương hướng hoạt động của lực lượng thuận lợi, hiệu quả hơn. Nghị định 33 ngày 27 tháng 5 năm 2022 đã quy định chi tiết việc thi hành một số điều Pháp lệnh quản lý thị trường; Thông tư 02 (20/01/2022) về mã số tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với ngạch công chức quản lý thị trường; 04 văn bản hợp nhất theo quy định, sau khi có Nghị định 17; 03 đề án: Chống hàng giả, ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp, nâng cao nhân lực cơ quan quản lý thị trường trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính…
Hai là, tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại góp phần bình ổn thị trường (nhất là mặt hàng xăng dầu, các vật tư chiến lược như: phân bón, các nguyên liệu đầu vào khác... Đồng thời, đã tập trung nhiều kế hoạch, chuyên đề, đột xuất, tấn công vào các tụ điểm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái (điển hình như kho 5 tấn hàng với hàng nghìn sản phẩm vi phạm, phần lớn là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng).
Ba là, đã chú trọng giải quyết các vấn đề nội bộ như: Tiếp tục siết chặt kỷ cương, nguyên tắc, lề lối làm việc của cán bộ công chức; Hoàn thiện quy hoạch cán bộ cấp Cục, Vụ; đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ; xử lý sai phạm, bức xúc trong từng đơn vị, giải quyết đơn thư, khiếu tại…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá, Tổng cục Quản lý thị trường có phương châm 16 chữ “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Thủ trưởng nêu gương, Tập thể đoàn kết”, đã thể hiện tính chủ động trên tinh thần quán triệt nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng gợi mở, nếu Tổng cục Quản lý thị trường bổ sung thêm phương châm “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Lãnh đạo nêu gương, Phối hợp muôn phương, Hoàn thành nhiệm vụ” thì đây không chỉ là phương châm dành cho năm 2022 mà còn là phương châm hành động của toàn lực lượng từ nay trở đi để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để khắc phục trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh tác động ngày càng lớn, phức tạp của kinh tế thế giới (dấu hiệu khủng hoảng, lạm phát, đứt gãy các nguồn cung, đứt gãy sản xuất…); biến động giá cả các mặt hàng trong nước như giá xăng dầu, vật tư nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng lên; thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh khiến việc quản lý, kiểm soát thị trường, hàng hóa khó khăn; tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại (hàng giả, hàng gian) ngày càng tinh vi, phức tạp; trong khi lực lượng quản lý thị trường mỏng, địa bàn rộng, phương tiện còn khó khăn, cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của cán bộ tại địa bàn chưa hoàn thiện, cơ quan phối hợp giữa cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương chưa thật đầy đủ… đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường cần có sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường địa phương, Ban Chỉ đạo 389 địa phương thực hiện 6 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục mở các đợt cao điểm nghiên cứu, quán triệt về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật cho toàn lực lượng, nhất là việc quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của ngành, chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục trong thực thi nhiệm vụ của mình. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động, các cán bộ, từ các tổ, đội, Cục quản lý thị trường địa phương, các phòng nghiệp vụ thuộc Tổng cục, lãnh đạo quản lý các cấp của lực lượng quản lý thị trường cần nghiên cứu đề xuất, kiến nghị, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định của ngành với lực lượng; quy trình công tác, xử lý vụ việc; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động; chế tài xử lý khi đã xảy ra vi phạm pháp luật quy định và các vi phạm khác. Dứt khoát phải có cơ chế bảo đảm “song trùng” quản lý giữa lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục, các cấp ủy chính quyền địa phương và cơ chế phối hợp với các lực lượng từ trung ương đến địa phương.
“Sau Hội nghị này, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ sẽ có văn bản gửi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố có cơ chế phối hợp từng cấp một để hoạt động hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Yêu cầu cuối quý III/2022, tức là tháng 9 tới đây phải trình Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ ban hành các quy định trên. Cụ thể, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật từ thực tiễn ở các địa phương; tham mưu, ban hành quy chế, quy định của ngành tới toàn lực lượng; quy trình công tác và xử lý vụ việc; cơ chế và quản lý giám sát hoạt động; chế tài xử lý khi để xảy ra sai phạm.
Thứ hai, tập trung rà soát trong từng lĩnh vực, trên mọi địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm; kịp thời bịt kín các lỗ hổng trong quản lý theo đúng các quy định của pháp luật và nguyên tắc Đảng, phù hợp với thực tiễn tình hình. Chú ý tranh thủ và bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cấp chính quyền của địa phương; sự phối hợp, ủng hộ của các lực lượng chức năng trên từng địa bàn để giải quyết, xử lý vụ việc. Tuy nhiên, cũng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, khách quan, tuyệt đối tuân thủ pháp luật, kịp thời phản ánh, kiến nghị với Bộ, Tổng cục khi gặp khó khăn.
Những tồn tại, bức xúc từ khi hoạt động theo mô hình Tổng cục cho đến nay cần được rà soát, giải quyết dứt điểm trước ngày 31/12/2022. Điều này sẽ được văn bản hóa trong Thông báo kết luận của Bộ đến các đơn vị trong lực lượng. Quá trình xử lý cần tuân thủ 3 nguyên tắc về pháp luật, chính trị, nghiệp vụ. Sau ngày 31/12/2022 còn hiện tượng, bức xúc tồn tại chưa được giải quyết mà không có lý do chính đáng, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Trong quá trình xử lý đề cao tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để tình trạng kéo dài; đối với những trường hợp sai phạm cụ thể phải kiên quyết xử lý theo nguyên tắc Đảng và pháp luật nhà nước.
Thứ ba, bám sát chỉ đạo của Bộ và Tổng cục, bám sát tình hình và diễn biến thị trường trong nước và trên từng địa bàn… để chủ động xây dựng kế hoạch công tác của từng đơn vị, từng lực lượng; phân công trách nhiệm rõ ràng và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cụ thể nhằm nâng cao hiệu suất công tác và thực thi đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân trong toàn lực lượng trên từng địa bàn, lĩnh vực. Lãnh đạo Tổng cục, các phòng nghiệp vụ nhất là thanh tra Bộ, thanh tra Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở; xây dựng, củng cố các mối quan hệ tốt với các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương để xử lý tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Những tháng cuối năm, Tổng cục tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản trao đổi với các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng để có cơ chế phối hợp tốt giữa Tổng cục Quản lý thị trường với các cơ quan, lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Thứ tư, chú trọng làm công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự ủng hộ chia sẻ của toàn dân đối với những khó khăn, vất vả, các hoạt động rất đặc thù của ngành Công Thương và lực lượng. Đồng thời Tổng cục và các đơn vị thuộc Tổng cục làm tốt công tác chế độ thông tin về nội bộ để những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả của các đơn vị được phổ biến kịp thời; những tình huống, thậm chí những sai phạm và hình thức xử lý đối với tổ chức sai phạm cũng phải cập nhật với các đơn vị, để lấy đó làm gương.
Thứ năm khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời rà soát, kiện toàn và đề xuất kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý của toàn lực lượng theo chủ trương, chỉ đạo của Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ. Sau ngày 31/12/2022 không còn chế độ quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường địa phương.
Cùng với việc kiện toàn cán bộ quản lý, cần tiếp tục siết kỷ luật hành chính; xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu để xảy ra sai phạm, nhất là sai phạm có tính hệ thống, tổ chức, vi phạm pháp luật. Có giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị và tính tiên phong gương mẫu của Đảng viên, cán bộ quản lý các cấp.
Thứ sáu, đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho lực lượng quản lý thị trường hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, nhất là chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp tốt với lực lượng quản lý thị trường địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ này.
Với các đơn vị thuộc bộ, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần rà soát lại, để có cơ chế phối hợp, thực hiện chức năng nhiệm vụ tốt hơn, cùng lực lượng quản lý thị trường để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.