A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 6 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 26 (Năm 2022)

Ngày 19 tháng 11 năm 2022, Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 6 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 26 (Năm 2022) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Điền trì Côn Minh, Trung Quốc. Nhận lời mời của ông Vương Dư Ba, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tham dự Lễ Khai mạc bằng hình thức trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội.

Tham dự Lễ Khai mạc Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 6 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 26 (Năm 2022) có ông Vương Xuân Hiền, Phó Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Toàn quốc Nhân dân Trung Quốc, ông Vương Ninh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ông Lý Phi, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Lãnh đạo Chính phủ các nước Sri Lanka, Lào, Cam-pu-chia cùng vớiLãnh đạo Bộ Thương mại các nước Pakistan, Mi-an-ma, Thái Lan.

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên Hội chợ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Việc Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham dự Lễ Khai mạc Hội chợ thể hiện sự coi trọng đối với phía Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng đối với việc phát triển toàn diện quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam. 

Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc và truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hội chợ được xem là cơ hội nhằmtằng cường thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Đồng thời, Hội chợ cũng là nơi để các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, trao đổi cũng như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực mong đợi. 

Ngày 20 tháng 11 năm 2022, trong khuôn khổ Hội chợ đã diễn ra Diễn đàn Tỉnh trưởng Hành Lang kinh tế GMS. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các nước thành viên GMS đang bước vào năm thứ 30 hợp tác và phát triển. Việc duy trì các cơ chế và nội dung hợp tác GMS trong nhiều năm qua thể hiện sự cam kết của các nước thành viên đối với việc phát triển hợp tác GMS và cũng tạo tiền đề cho sự hợp tác, liên kết phát triển của các nước thành viên trong tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn từ đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chúc mừng thành công của Chương trình tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng trong 30 năm qua và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính quyền tỉnh Vân Nam trong việc nối lại tổ chức “Diễn đàn Tỉnh trưởng hành lang kinh tế GMS” sau hainăm bị gián đoạn nhằm triển khai các định hướng được đề ra tại Khung Chiến lược GMS-2030 đã được Lãnh đạo Cấp cao các nước GMS thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 7 diễn ra vào tháng 9 năm 2021.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia đều là những nước có vị trí địa lý gần gũi, có quan hệ hữu nghị lâu đời của nhau, và có tính bổ trợ và gắn kết cao trong hợp tác kinh tế và thương mại. Quy mô thương mại giữa Việt Nam với các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia năm 2021 là 196,9 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2021, chiếm 30% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam với thế giới. Riêng 10 tháng đầu năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thương mại của Việt Nam với 05 đối tác vẫn đạt 176,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2021.

“Hơn lúc nào hết, các nước thành viên GMS phải hợp tác chặt chẽ để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai bên, tạo khuôn khổ pháp lý rộng mở hơn, thúc đẩy và nâng cao hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu biên giới. Trong đó vai trò của các địa phương đầu mối trong hợp tác GMS là rất quan trọng. Các địa phương cần tăng cường hợp tác thực chất đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vực sản xuất và thương mại tại khu vực biên giới, hợp tác về thuận lợi hóa thương mại, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực du lịch và khuyến khích đầu tư có chất lượng cao như mục tiêu ban đầu mà các nước thành viên đề ra.” - Thứ trưởng nhấn mạnh

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tin tưởng rằng, với sự nỗ lực và thiện chí hợp tác các nước thành viên và các địa phương liên quan trong GMS, hợp tác sẽ phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp các bên liên quan, từ đó đóng góp vào sự phát triển của khu vực tiểu vùng sông Mê-công mở rộng. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chính phủ của GMS cũng như các địa phương liên quan trong hợp tác GMS để có thể triển khai có hiệu quả nhất nhận thức chung đạt được của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên GMS./.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website