A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 33 Ngày 17 tháng 11 năm 2022 Băng Cốc, Thái Lan

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 33 (AMM 33) được tổ chức vào ngày 17 tháng 11 năm 2022 theo hình thức trực tiếp tại Băng Cốc, Thái Lan dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Don Pramudwinai và và Ông Jurin Laksanawisit, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan.

Hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký APEC.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Theo chương trình nghị sự, các Bộ trưởng đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức cao cấp APEC phiên tổng kết (CSOM) 2022, hoạt động và khuyến nghị của Hội đồng tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC). Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã nghe Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bà Okonjo-Iweala cập nhật tình hình thương mại toàn cầu và hệ thống thương mại đa phương (MTS). Các Bộ trưởng cũng thảo luận nhiều nội dung, đề xuất hợp tác quan trọng trong năm 2022, cụ thể: tiếp tục thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương (MTS) dựa trên nguyên tắc và luật lệ; triển khai mô hình kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn (BCG) hướng tới tăng trưởng bền vững trong khu vực; hội nhập kinh tế khu vực (REI) bao gồm kế hoạch  làm việc để hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP); kết nối khu vực thông qua việc thực thi lộ trình kinh tế mạng và kinh tế số (AIDER); thảo luận các sáng kiến về đảm bảo đi lại an toàn, liền mạch trong khu vực, tăng cường tính tự cường và ứng phó với các khủng hoảng và dịch bệnh trong tương lại, v.v.

Phát biểu tại Hội nghị, các Bộ trưởng tiếp tục đề cập đến các thách thức kinh tế-xã hội chưa từng có mà đại dịch COVID-19 đem lại trong thời gian vừa qua và hoan nghênh các nỗ lực của các thành viên APEC trong việc đề xuất các sáng kiến tăng cường hợp tác và giải quyết các thách thức và vấn đề còn tồn tại trong khu vực. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác APEC trong nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, phục hồi kinh tế, đi lại, kết nối chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới, v.v để đảm bảo tương lai bền vững và sự thịnh vượng chung trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ với các thành viên APEC một số vấn đề trọng tâm trong hợp tác APEC nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo thương mại và đầu tư mở và phát triển bền vững trong năm 2022 như sau:

Thứ nhất, liên quan đến hệ thống thương mại đa phương (MTS), Việt Nam cho rằng trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác song phương và khu vực mới ra đời hiện nay, WTO vẫn là diễn đàn đa phương hiệu quả nhất để duy trì sự ổn định và bình đẳng trong thương mại quốc tế, tạo nền tảng và động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững trên toàn cầu. Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với các thành viên WTO trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong cơ chế hợp tác và kêu gọi các thành viên WTO tiếp tục đẩy nhanh việc thảo luận để đạt được đồng thuận chung.

Thứ hai, về hiện thực hóa Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), Việt Nam đánh giá cao các nỗ lực của các thành viên APEC trong việc xây dựng chương trình nghị sự FTAAP trong thời gian qua. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin trong APEC để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển thúc đẩy hợp tác và thu hẹp khoảng cách hướng tới hiện thực hóa FTAAP trong tương lai.

Thứ ba, về chuyển đổi số, Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong việc hỗ trợ chính phủ, doanh nghiệp và người dân ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua và phục hồi kinh tế. Việt Nam cho rằng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực, việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các công nghệ mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hệ sinh thái số hóa cần là một trong những nội dung trọng tâm của các thành viên APEC hiện nay.

Là một nền kinh tế mở và năng động, Việt Nam đã ký kết và thực hiện hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định đầu tư và 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo chủ trương hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Đảng và nhà nước, Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ thương mại và đầu tư tự do, mở và bền vững trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với các thành viên APEC xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình để đảm bảo sự thịnh vượng chung cho tương lại trong khu vực APEC./.


Nguồn:Vụ Chính sách thương mại Đa Biên Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website