A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU

Sau hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Dư địa của thị trường EU còn rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Dư địa thị trường còn rất lớn

Tại Tọa đàm “Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 18/11, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên – cho biết, thị trường EU khá đa dạng, có sức mua cao, thị trường tiềm năng lớn và rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Họ không chỉ quan tâm đến giá thành sản phẩm, chất lượng mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách doanh nghiệp đối xử với người lao động, môi trường, đối xử với xã hội… “Đây là một đặc điểm mà các không ít doanh nghiệp Việt Nam biết nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chuẩn bị”- ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Mặc dù, sau 2 năm thực thi EVFTA, EVFTA mang lại kết quả tích cực, song ông Ngô Chung Khanh cũng thẳng thắng nhìn nhận, dư địa còn rất lớn. Hiện nay, thị phần nhiều mặt hàng thế mạnh, chiến lược của Việt Nam vẫn còn rất thấp, như rau, quả khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, bản thân EU là thị trường xuất khẩu truyền thống chứ không phải là một thị trường nhỏ. EU cách đây khoảng 10 năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, hiện nay là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoài ra, EU cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt. Trong 2 năm đầu thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD một năm và cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2019 (33,5 tỷ USD), cao hơn 24%.

Tuy nhiên, về tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lại khá thấp. Bà Trang cho biết thêm, cách đây khoảng 10 năm, tỷ trọng chiếm khoảng 19%  đến gần 20% nhưng sau đó giảm dần và đến năm 2021, tỷ trọng còn khoảng 12%. “Chúng ta đã làm tốt nhưng dường như so với kỳ vọng, tiềm năng thì vẫn còn hạn chế”- bà Trang nhấn mạnh.

Là đơn vị nông sản đầu tiên xuất khẩu 100 tấn chanh leo sang thị trường EU, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – chia sẻ, dư lượng nhập khẩu của EU rất lớn, trong đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả chiếm khoảng 45%. Ngoài ra, các nước EU không trồng được các loại rau quả nhiệt đới, như dứa, chuối, chanh leo... Vì vậy, họ ít có biện pháp phòng vệ như các nước khác. Ngoài ra, châu Âu thanh toán sòng phẳng nghiêm túc. Đây là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.

“Xuất khẩu sang EU không phải là khó”

Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU rất lớn, đặc biệt khi tiếp cận với thị trường có tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp cũng có khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Ông Ngô Chung Khanh cho biết, đơn hàng và khách hàng từ EU sẽ nhiều hơn. Có thể trong giai đoạn ngắn hạn khi EU nói riêng và thế giới nói chung đang gặp một số khó khăn về kinh tế, địa chính trị, đâu đó sẽ có những lĩnh vực mà đơn hàng có thể sụt giảm xếp hạng như dệt may. Nhưng do có EVFTA cho nên EU đương nhiên có nhu cầu đa dạng hóa các nguồn cung.

Ngoài ra, trong quá trình thực thi, thuế càng ngày càng giảm. Theo lộ trình cắt giảm thuế mà EU đồng ý cho Việt Nam tối đa là 7 năm. Như vậy, hàng Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh về thuế.

Tuy nhiên, thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp còn tâm lý e ngại với những tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra từ phía EU. “Trong các hội nghị tuyên truyền, khi trao đổi với các doanh nghiệp, họ cho biết, cứ nghĩ đến EU là sợ, sợ vì không thể vượt qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, sợ vì không đủ năng lực để xây dựng nhà xưởng đẹp, sợ vì không có đủ những điều kiện dành cho người lao động như các nước mong muốn”- ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.

Với kinh nghiệm xuất khẩu rau quả hàng đầu với hơn 55 thị trường trong đó có các thị trường rất lớn, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt từ khâu làm nguyên liệu, vận tải, đặc biệt là nhà máy, tập huấn cho những người lao động, kể cả nông nghiệp công nghiệp và đảm bảo môi trường thì xuất khẩu sang EU không phải là khó và dư lượng rất lớn nên chúng ta không sợ cạnh tranh. “EU hiện cũng rất biết đến Việt Nam, nên các doanh nghiệp Việt có thể cùng gắn bó, đoàn kết và cùng hợp tác với nhau. Ví dụ trong Hiệp hội Rau quả hợp tác với nhau, Hiệp hội Xoài hợp tác với nhau để đảm bảo được lợi ích, từ người lao động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng”- ông Đinh Cao Khuê cho hay.

Chung tay đưa hàng hóa Việt hiện diện nhiều hơn ở thị trường EU

Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của doanh nghiệp sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đag làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho để cho nhiều các doanh nghiệp khác được hưởng lợi.

Hay ở mảng câu chuyện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để vượt qua những rào cản về mặt kỹ thuật hay là an toàn vệ sinh thực phẩm, những yêu cầu chất lượng thì nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp để kiểm sản phẩm, để doanh nghiệp có thể đảm bảo hàng hóa của mình an toàn và xuất khẩu sang thị trường phía bạn mà không bị trả lại. Hoặc là những đào tạo cho doanh nghiệp để biết quy trình EU đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng như thế nào thì doanh nghiệp trên cơ sở đó sẽ tuân thủ để có thể tiếp cận được thị trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, để các doanh nghiệp cạnh tranh được, không những ở thị trường EU và thị trường trong nước, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp phải làm tốt hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng hàng hóa phải tốt. Thứ hai là giá thành hợp lý.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ vì đây vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất. Có nhiều cách tiếp cận như thương mại điện tử, Facebook… nhưng hội chợ vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất.

Chính vì vậy, cơ quan chủ trì như Bộ Công Thương cần phải tổ chức cho các doanh nghiệp một cách bài bản hơn, từ cách trang trí, hỗ trợ đến thiết kế, đến gian hàng. Vì mỗi hội chợ thì một công ty chỉ được 4-6m2, không đủ chỗ trang trí, không đủ chỗ để làm… thì vẫn không ổn. Cần có những gian hàng quốc gia hoặc ngành hàng với quy mô lớn hơn. Vì sản phẩm của doanh nghiệp hiện nay không thua kém gì các nước khác” – ông Khuê nói.

Đối với doanh nghiệp, ông Khuê cho rằng, cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh.

Một vấn đề nữa là phải hình thành chuỗi liên kết từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.


Tác giả: Phương Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website