A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao thương “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Bờ Biển Ngà”

Sáng ngày 14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Văn phòng lãnh sự danh dự Bờ Biển Ngà tại Thành phố Hồ Chi Minh tổ chức Hội nghị giao thương “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Bờ Biển Ngà”. Hội nghị nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy giao lưu đầu tư, thương mại, góp phần khai thác tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà. 

Phát biểu tại tại hội nghị, ông Đào Việt Anh – Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Bờ Biển Ngà vẫn khẳng định được tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Năm 2021, Bờ Biển Ngà là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Phi với tổng kim ngạch hai chiều đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 38,7% so với năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 266,2 triệu USD, tăng 1,2% và nhập khẩu đạt 992,3 triệu USD, tăng 54%. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 855,7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 289,1 triệu USD và nhập khẩu đạt 566,6 triệu USD. Về cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Bờ Biển Ngà chủ yếu là các mặt hàng gạo, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, hàng hải sản, chất dẻo nguyên liệu... Bờ Biển Ngà là nước cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho sản xuất trong nước của Việt Nam, chủ yếu là hạt điều thô (thường chiếm 80-90% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này), bông, gỗ.

Để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020 đến nay Cục Xúc tiến thương mại, bộ Công Thương Việt Nam đã chủ động đổi mới công tác xúc tiến thương mại, chuyển đổi linh hoạt  hình thức xúc tiến thương mại, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã giúp doanh nghiệp VIệt Nam tiếp cận đến các thị trường và đối tác trong bối cảnh dịch bệnh mà vẫn đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá giới thiệu thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng bằng nhiều hình thức trực tuyến. Điều này đã góp phần đưa Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị THQG nhanh nhất thế giới (tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022) theo báo cáo của Brand Finance năm 2022. Nhờ đó, giá trị THQG Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới và Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng (theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021).

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hội lương thực Việt Nam, hiện nay Bờ Biển Ngà là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD tăng 71,2 % về kim ngạch và tăng 94,4% về lượng nhưng lại lại giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 9,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, Bà Trần Thụy Quế Phương – Đại diện hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết mặc dù xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Bờ Biển Ngà còn rất khiêm tốn, năm 2020 đạt 3,6 triệu USD, năm 2021 đạt 6,65 triệu USD tăng 84,7%, trong 10 tháng của năm 2022 đạt 5,95 triệu USD. Nhưng thị trường này còn chưa được quan tâm khai thác mà dư địa thị trường còn nhiều, vì vậy đây chính là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam trong tương lai.


Nguồn:Cục Xúc tiến thương mại Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website