A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu TP Hải Phòng tham dự phiên họp.

Tại phiên họp sáng nay, thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Các đại biểu phân tích, Luật sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Có ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, quy mô thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, dư địa và tiềm năng phát triển còn rất lớn; do đó việc sửa đổi Luật là rất cần thiết để tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường, nhưng cần bảo đảm mục tiêu phát triển thị trường an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn hoạt động theo lối “tư duy cũ”, do đó, cần hoàn thiện quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng vi phạm trong ngành bảo hiểm.

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đánh giá cao việc xây dựng chính sách, điều kiện để tổ chức triển khai sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên, quy định còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện này.

Theo các vị đại biểu, cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù, xây dựng một chương riêng cho dự thảo; cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; xây dựng những quy định cụ thể hơn và mạnh mẽ hơn, quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp; quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức triển khai sản phẩm là bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm; quy định cụ thể những đối tượng được nhận bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp; thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, đầu tư nông nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu TP Hải Phong tham dự phiên họp

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, cần rà soát và làm rõ các quy định về nội dung này để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Một số đại biểu phân tích thêm, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô như tổ chức và điều kiện triển khai bảo hiểm vi mô, sản phẩm bảo hiểm vi mô, hợp đồng bảo hiểm vi mô, quản trị rủi ro, nguồn vốn và hoạt động thu-chi, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung cho ý kiến về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm….

Trước đó, tại phiên họp ngày 28/10/2021, Quốc hội thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đã có 31 ý kiến đại biểu phát biểu và 02 ý kiến đại biểu tranh luận. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và cho rằng, hồ sơ dự án luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, công phu và tương đối đầy đủ. Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự án Luật, như: tên gọi của dự thảo Luật; về công tác thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua, đặc biệt là việc bổ sung tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua; thẩm quyền phát động phong trào thi đua; thủ tục, tiêu chí, nguyên tắc bình xét thi đua, khen thưởng; việc đăng ký thi đua hằng năm; việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; tiêu chuẩn danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”; việc thay đổi tên gọi danh hiệu thi đua đối với gia đình, thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố; các loại hình khen thưởng, hình thức khen thưởng; việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; về danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”; thời gian xét tặng các danh hiệu; nguyên tắc, thẩm quyền khen thưởng; các hành vi bị nghiêm cấm; về danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Đơn vị Quyết thắng”, “Huân chương Quân công”; xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng; khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng; trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các Ban, các Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Vào buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 23  ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu đánh giá cao và tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: mục đích, quan điểm xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bố cục của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; hành vi bị nghiêm cấm...

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Sáu, ngày 29/10/2021: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Buổi chiều, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về hai nội dung này./.


Tác giả: An Châu

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website