Việt Nam tham dự Diễn đàn quốc tế về người tiêu dùng Tokushima năm 2021
Ngày 26 tháng 10 năm 2021, chính quyền tỉnh Tokushima phối hợp với Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) tổ chức Diễn đàn quốc tế về người tiêu dùng Tokushima 2021.
Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức hỗn hợp (trực tiếp tại hội trường với các đại biểu từ Nhật Bản và trực tuyến với các đại biểu từ các quốc gia khác trên thế giới) với chủ đề “Những vấn đề mới của người tiêu dùng và lộ trình cho các giải pháp chuẩn bị cho một xã hội kỹ thuật số hậu Covid-19”. Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan, tổ chức về người tiêu dùng, các trường đại học, viện nghiên cứu của các nước Nhật Bản, Anh, Úc, Hoa Kỳ, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đại diện Việt Nam tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Chương trình được chia làm 3 phiên với các chủ đề khác nhau. Phiên 1 bao gồm những bài diễn thuyết của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới về đạo đức tiêu dùng. Phiên 2 tập trung thảo luận về sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Nhật Bản và các nước khu vực ASEAN. Phiên 3 bàn về công tác giáo dục tiêu dùng trong các trường đại học, cao đẳng.
Tại Phiên 1, các diễn giả đã trao đổi nhiều về thực trạng cũng như giải pháp đối với vấn đề tiêu dùng có đạo đức, có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và xã hội. Giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu người tiêu dùng đạo đức của Anh đã phân tích nhiều về xu hướng phát triển nhanh của việc mua hàng có trách nhiệm ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau. Theo đó, xu hướng nay phát triển mạnh ở Anh giai đoạn 2020-2021 do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng quan tâm hơn các các sản phẩm tiêu dùng bền vững và không gây nhiều tác động lên môi trường và xã hội.
Phiên 2 với sự góp mặt của đại diện các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở Nhật Bản và mốt số nước thành viên ASEAN, tập trung trao đổi về sự phối hợp giữa chính quyền cấp trung ương và địa phương trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trao đổi tại Diễn đàn, Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết cơ chế phối hợp giữa chính quyền Trung ương (Bộ Công Thương) và địa phương (Sở Công Thương và Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố) trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam đã được triển khai ngay từ trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời. Tuy nhiên, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành năm 2010 đến nay, công tác phối hợp giữa các cấp có sự nhuần nhuyễn, chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Việc phối hợp đó được thể hiện trên nhiều góc độ từ phối hợp trong việc xây dựng chính sách pháp luật; tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực đến hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hoạt động phối hợp khác. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Malaysia cũng khái quát những thông tin tổng quan về hệ thống cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cấp trung ương và địa phương cũng như các hoạt động phối hợp giữa các cấp ở nước mình.
Phiên 3 bao gồm những cập nhật về công tác giáo dục trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Nhật Bản và một số nước khu vực ASEAN. Theo đó, khá đông các trường đại học và trung học ở Nhật Bản đã đưa nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào chương trình giảng dạy chính khóa cũng như trong các hoạt động ngoại khóa.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng nhận định rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và xã hội đồng thời đưa ra một số đề xuất trong việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Việc trao đổi thông tin giữa các nước sẽ giúp nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác bảo vệ người tiêu dùng cũng như học tập kinh nghiệm hay, tiên tiến, phù hợp với xu hướng tiêu dùng quốc tế.
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội thay đổi, trong đó có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Diễn đàn quốc tế về người tiêu dùng Tokushima 2021 được tổ chức với chủ đề “Những vấn đề mới của người tiêu dùng và lộ trình cho các giải pháp chuẩn bị cho một xã hội kỹ thuật số hậu Covid-19” đã tạo cơ hội để các nước được giao lưu, cập nhật thông tin cũng như chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai hiệu quả hơn công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 như hiện nay.
Tại Nhật Bản, chính quyền các tỉnh, thành phố nói chung và chính quyền tỉnh Tokushima nói riêng đã và đang hợp tác với Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) triển khai nhiều sáng kiến khác nhau nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới việc hình thành và phát triển một xã hội bền vững. Trong số các sáng kiến đó, các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp.
Tháng 9 năm 2019, chính quyền tỉnh Tokushima và Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản CAA đã đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế G20 đầu tiên về Chính sách người tiêu dùng. Từ tháng 7 năm 2020, Văn phòng trụ sở chính về chính sách người tiêu dùng được thành lập tại tỉnh Tokushima với mục tiêu mở rộng hoạt động bảo vệ người tiêu dùng lên phạm vi toàn quốc, nghiên cứu chính sách tiêu dùng và phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan.