A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng

Nhận lời mời của Ngài Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các Bộ, ngành, doanh nghiệp đi Tokyo, Nhật Bản để chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng (UBHH).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng và đoàn Việt Nam cũng tổ chức các hoạt động diễn đàn doanh nghiệp, kết nối giao thương, tiếp xúc, vận động các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Đây là kỳ họp UBHH đầu tiên mà Ngài Nishimura Yasutoshi chủ trì tổ chức ngay sau khi mới được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng METI trong đợt cải tổ nội các Nhật Bản ngày 10 tháng 8 năm 2022. Điều này thể hiện sự coi trọng và đánh giá rất cao của phía Nhật Bản đối với quan hệ hợp tác với Bộ Công Thương nói riêng cũng như đối với quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản nói chung.

Cùng tham dự kỳ họp về phía Việt Nam có đồng chí Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tham dự kỳ họp về phía Nhật Bản có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Tại kỳ họp lần thứ năm của Ủy ban hỗn hợp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những thành tựu quan trọng đạt được kể từ kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ tư tháng 8 năm 2020. Hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp trong việc tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh; Đảm bảo sự ổn định và liên tục của tăng trưởng thương mại và đầu tư trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức như dịch COVID-19, xung đột, căng thẳng địa chính trị, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở hiểu biết nêu trên, hai Bộ trưởng khẳng định phương hướng hợp tác song phương trong thời gian tới như sau:

Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ trưởng Nishimura khẳng định Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và cả hai Bên sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Nishimura khẳng định sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp cho Việt Nam, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam các chương trình đào tạo về 6 công nghệ sản xuất nền tảng (hàn, đúc, ép nhựa, khuôn mẫu, xử lý bề mặt, xử lý nhiệt) để có thể giúp lao động kỹ thuật của Việt Nam tận dụng kế hoạch cung cấp 50 ngàn cơ hội việc làm ở Nhật Bản và cho công ty Nhật Bản ở châu Á. Nhật Bản cũng sẽ xem xét tích cực để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và xây dựng khung chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí, vật liệu, điện tử, hoát chất, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng tái khẳng định nỗ lực tiếp tục tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, thị trường mở và duy trì một hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ Hiệp định WTO. Hai Bộ trưởng hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại WTO lần thứ 12 và khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực cải tổ WTO.

Hai Bên cũng tái khẳng định cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương về hợp tác kinh tế và thương mại mà cả hai nước đều là thành viên. Đặc biệt, hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định CPTPP.

Về việc tận dụng các FTA, ghi nhận rằng Nhật Bản và Việt Nam là hai trong số ít các quốc gia cùng có FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK), hai Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét thảo luận ở cấp kỹ thuật việc cộng gộp xuất xứ vải từ Nhật Bản trong khuôn khổ EVFTA và UKVFTA.

Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Nishimura đã giới thiệu tóm tắt với Bộ trưởng Diên về "Tài liệu khái niệm Cộng đồng châu Á không phát thải các-bon" và thông báo rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), đặc biệt là việc giới thiệu và sử dụng nhiên liệu không phát thải như amoniac, hydrogen và sinh khối.

Để cụ thể hóa lộ trình trung hòa các-bon của Việt Nam và để xác nhận các dự án hỗ trợ của Nhật Bản trong khuôn khổ AETI cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, hai Bộ trưởng nhất trí đàm phán hướng tới ký kết trong năm 2022 Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về hợp tác chuyển đổi năng lượng. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh hỗ trợ của Nhật Bản nói riêng và các đối tác phát triển nói chung cần giúp Việt Nam vừa thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng nhưng đồng thời giữ ổn định giá điện ở mức hợp lý để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân và nền kinh tế.

Cuối cùng, hai Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và danh mục hợp tác của kỳ họp; đồng thời chỉ đạo cán bộ của hai Bộ thảo luận và hoàn thiện sớm kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác cụ thể mà hai Bộ trưởng đã thống nhất.

Kỳ họp thứ 5 UBHH Việt Nam – Nhật Bản đã kết thúc thành công. Những biện pháp được thống nhất tại kỳ họp có ý nghĩa quan trọng giúp nền kinh tế, doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, ứng phó hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.


Nguồn:Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website