A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng hợp hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần qua

Dịch covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì thế, các hoạt động của Bộ Công Thương cũng như các chính sách, điều hành của lãnh đạo Bộ đều hướng về người dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cổng Thông tin điện tử Bộ tổng hợp các hoạt động nổi bật của lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương tuần từ ngày 2/8 đến ngày 9/8/2021, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.

Quan điểm này được người đứng đầu ngành cũng như Bộ Công Thương đã đưa ra từ đầu mùa dịch. Vì thế những kiến nghị, đề xuất cũng như các chỉ đạo với đơn vị trong Bộ, khâu phối hợp với các địa phương cũng trên tinh thần nhất quán mục tiêu kép - phòng chống dịch bệnh, đi đôi với duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu, cung ứng đủ điện để - bất cứ ai, địa phương nào, doanh nghiệp cũng như người dân không bị “bỏ lại phía sau”.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về đợt giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch covid-19, thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký văn bản gửi các Sở Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam hướng dẫn thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 4 để chung tay cùng cả nước hỗ trợ một phần khó khăn cho nhân dân các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội.

Trong 2 năm qua, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành điện đã 4 lần hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện với số tiền lên đến 16.500 tỷ đồng.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Cùng với đó, trước tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, chiều ngày 04/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký Công văn số 4699/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị một số giải pháp cải thiện tình trạng trên, góp phần tạo luồng hàng thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh như hiện nay.

Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (tuần 27, 28, 29), sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó (so với tuần 24), kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.

Cũng theo báo cáo, lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái luôn gần hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất. Với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Tìm giải pháp gỡ khó cho lưu thông hàng hóa

Trước những diễn biến của dịch Covid -19 vô cùng phức tạp, sáng 3/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc làm việc với các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương trên tinh thần: Cần chuẩn bị các giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa, bởi dịch Covid-19 đã diễn biến rất nhanh và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống dịch bệnh diễn biến xấu hơn để đưa ra những kịch bản phù hợp, nhằm chủ động ứng phó, vừa đảm bảo an toàn chống dịch nhưng vẫn phải thực hiện mục tiêu kép. Tuy nhiên, mục tiêu chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, ba nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đặt ra, đó là: Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; Nhiệm vụ thứ hai là vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; Nhiệm vụ thứ ba là duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung. Theo Quyết định số 1926/QĐ-BCT do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký, Tổ công tác có nhiệm vụ nắm sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung, nhất là các tỉnh thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ công tác tiền phương về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp được đổi tên thành Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp”. Bên cạnh đó, bổ sung nhân sự đối với Tổ công tác đặc biệt.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chiều 6/8, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (ngày 6,9 và 10/8/2021), với sự tham dự của trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, vẫn trên quan điểm nhất quán, thị trường nội địa rất quan trọng, với tỷ lệ dân số vàng hơn 100 triệu dân, nên cần được ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Khi xác định thị trường nội địa là trọng tâm sẽ từng bước tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, qua đó, nâng cao uy tín hàng hóa trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các Cục Vụ, đơn vị chức năng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; Vừa đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, vừa tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, với phương châm “mở rộng thị trường mới, không bỏ rơi thị trường nội địa”.

Bộ trưởng một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán sẽ luôn sát cánh cùng địa phương trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bộ Công Thương sẽ huy động hệ thống Tham tán thương mại ở ngoài nước cùng vào cuộc để hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất. 

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Các hoạt động đối nội, đối ngoại khác

Sáng ngày 02 tháng 8 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiến hành hội đàm trực tuyến với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc Lộc Tâm Xã. Trong không khí hữu nghị, chân thành, cởi mở, hai bên đã trao đổi và thống nhất nhiều nội dung hợp tác và biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hai bên khẩn trương thiết lập đường dây nóng để phối hợp giải quyết công tác thường xuyên và đột xuất, đảm bảo trao đổi nhanh chóng, kịp thời về các biện pháp quản lý nhập khẩu và các điều chỉnh chính sách và nhu cầu tại thị trường; trao đổi và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan đầu mối là Cục Xúc tiến Thương mại và Cục Triển lãm quốc tế Quảng Tây cũng như Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ khai thác tuyến công-te-nơ đường sắt Việt - Trung.

Trong khuôn khổ hội đàm, Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã đạt được đồng thuận với các nội dung Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2021 – 2023 và sẽ ký kết ngay sau khi hoàn thành thủ tục nội bộ. Hai Lãnh đạo thống nhất cần khẩn trương triển khai có hiệu quả những giải pháp đã trao đổi, thúc đẩy quan hệ song phương tin cậy và chân thành, tiếp tục phát huy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp, chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với Khu ủy, Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Chi tiết bài viết, xem tại đây

Bên cạnh đó, ngày 05 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Ngài Ignazio Cassis, Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ, trong khuôn khổ chuyến đến thăm chính thức tới Việt Nam từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 8 năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn phía Thụy Sỹ sẽ tiếp tục ủng hộ, cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ để thúc đẩy hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác trong trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, đặc biệt là mục tiêu của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp nền tảng như như vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ…hướng tới mục tiêu gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam và các sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng, với việc trao đổi rất tích cực và cởi mở về nhiều vấn đề tại cuộc họp và sự thống nhất về quan điểm, phương hướng và các biện pháp cụ thể, hai bên có thể đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hơn nữa trong thời gian tới và sớm đạt kết quả tốt đẹp trong đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối các nước EFTA.

Hai Bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, cũng như triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa hai bên, góp phần thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Thụy Sỹ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.

Sáng ngày 5/8, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị từ điểm cầu Nhà Quốc hội. Cùng dự hội nghị từ điểm từ điểm cầu nhà Quốc hội còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi.

Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến cử tri của thành phố đều bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; cử tri cũng vui mừng, phấn khởi và vào sự thành công của kỳ họp; nhấn mạnh, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biễn phức tạp, Quốc hội đã quyết định rút ngắn thời gian kỳ họp để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều đó đã khẳng định quan điểm nhất quán của Quốc hội là ưu tiên số 1 cho công tác phòng, chống dịch.

Cử tri bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng khi Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đều là những đồng chí có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực trí tuệ, lại kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm hoạt động nghị trường. Đồng thời chia sẻ sự lo lắng khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, song cứ mỗi ngày họp đi qua thì niềm tin và kỳ vọng của cử tri lại tăng lên và vơi đi sự lo lắng.

Chi tiết bài viết, xem tại đây.


Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website