Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp: Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sáng ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; 36 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các các sở, ban, ngành cùng khoảng 1.200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế- xã hội trên toàn cầu và đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn. Hiện nay, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái ‘sống chung với dịch’ để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.
Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn… Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính phủ, Thủ tướng đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.
“Chính phủ cảm ơn các doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong thời gian qua. Chính phủ rất quan tâm, chia sẻ và luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân khi gặp khó khăn. Đây là thời điểm ‘lửa thử vàng- gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới. Trong thời gian qua, tôi đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021. Nhưng tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch...”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, các ý kiến của doanh nghiệp khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn rất eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực bố trí, thu xếp các nguồn ngân sách để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ trong đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, về vấn đề chính sách… để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việt Nam đang ở giữa 2 cuộc chiến là cuộc chiến chống dịch để bảo vệ sinh mạng và cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân. Đây là cuộc chiến song hành và đều rất khắc nghiệt, chống dịch như chống giặc và bảo vệ doanh nghiệp cũng như bảo vệ đồng đội của doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các cơ các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” để doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Hỗ trợ hay gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này theo chúng tôi, chính là tìm mọi cơ hội có thể, để có thể nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh, luồng xanh mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể, chúng ta đang thực hiện giãn cách rất lớn, các tỉnh, thành phố, các trung tâm công nghiệp đang giãn cách, làm thế nào để tận dụng mọi cơ hội, nếu không mở cửa rộng khắp thì những vùng xanh, những cơ hội thì có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có thể duy trì được sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng đề nghị các cấp có thẩm quyển cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, nhất là đối với các tỉnh phía Nam để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, sớm ổn định cuộc sống. Cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã tham gia mang lại. Giải quyết ách tắc giao thông trong lưu chuyển hàng hóa, cũng như quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine chống dịch đối đối với công nhân, ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể về y tế tại chỗ đối với khu vực này như nhất là vấn đề các ly y tế khi phát hiện có các ca F0.
Ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cần duy trì sản xuất
Tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ, giải đáp những câu hỏi mà các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra liên quan đến tình hình cung ứng hàng hoá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, an toàn trong sản xuất và vấn đề ưu tiên tiêm vaccine…
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng bởi nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khoẻ an toàn để sản xuất. Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, sẽ bị bỏ lại phía sau, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc.
“Tổng cầu đang lên, thế giới đang trên đà hồi phục, chúng ta không giữ vững thị trường lúc này thì sẽ mất rất nhiều cơ hội khác và sẽ bị tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế và mong muốn: Cộng đồng doanh nghiệp hãy đồng hành cùng nhà nước, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất giải pháp, nêu những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và chưa có cơ sở nào đảm bảo khi nào kết thúc do vậy, cần phải tính đến kịch bản xấu nhất là “phải sống chung với Covid-19”. Từ đó, tại Hội nghị trực tuyến sáng 8/8, Bộ trưởng đưa ra một số đề xuất:
Một là các địa phương tiếp tục thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hoá thiết yếu. Các quy định cần được thực hiện nhất quán tại các địa phương chứ không nên để tình trạng mỗi nơi một quy định, gây cản trở người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận hàng hoá.
Hai là, doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn sản xuất. “Chúng ta không sản xuất bằng mọi giá mà phải làm bằng mọi cách để làm sao vừa phòng chống dịch nhưng vừa thực hiện mục tiêu sản xuất kinh doanh, vì hai mục tiêu này là điều kiện thúc đẩy lẫn nhau và không thể tách rời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ba là, cần phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cũng như tạo điều kiện xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho người lao động, để doanh nghiệp sớm quay lại sản xuất. Khi vaccine được phủ sóng rộng khắp, người lao động được an toàn, khi đó, hoạt động của doanh nghiệp mới được đảm bảo, ổn định và liên tục. “Tiến độ tiêm vaccine cần phải được đẩy nhanh, bởi chúng ta chỉ an toàn khi tất cả được an toàn. Khi tất cả người lao động được tiếp cận vaccine, được an toàn thì doanh nghiệp ở trong vùng dịch hay ngoài vùng dịch đều có thể yên tâm sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Về đề xuất thứ tư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên cơ sở thỏa thuận với người lao động để có thể tăng giờ làm một cách hợp lý, tận dụng cơ hội khi tổng cầu thế giới đang lên cũng như bù lại khoảng thời gian mà vì dịch bệnh, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản và tạm trữ lương thực cho người dân. Hiện nay, lúa gạo ở các tỉnh phía Nam, nhất là Đồng Bằng Sông Cửu Long đang vào vụ. Việc thu mua nông sản không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân mà doanh nghiệp còn có thể coi đây là nguồn nguyên liệu đầu vào dự trữ khi các nhà máy chế biến nông sản, thuỷ sản khôi phục lại sản xuất.
Nếu như doanh nghiệp tư nhân thu mua sẽ thuận lợi hơn bởi sẽ bớt được các thủ tục cũng như những ràng buộc khác. “Nông sản, trái cây… vào vụ không thể chờ đợi thời gian quá lâu. Với sản lượng nhiều như hiện nay dù có tăng tốc xuất khẩu hay khuyến khích tiêu thụ trong nước thì cũng không thể hết được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.