Tuần làm việc thứ 2: Quốc hội thảo luận các dự án luật, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế
Từ ngày 25-30/10/2021, bắt đầu tuần làm việc trực tuyến thứ 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; thảo luận dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành; thảo luận về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
6 dự án luật Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận tổ về 4 dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hoá, tỉnh Nghệ an và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ trình dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Quốc hội bố trí thảo luận tổ cũng như thảo luận trực tuyến về các nội dung này.
Theo Chương trình kỳ họp sáng nay 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung ba nội dung gồm Khoản 3, Điều 146 của Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an); khoản 1, Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; khoản 1, Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tại phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cuối phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Trong phiên họp chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Hôm qua, chủ Nhật ngày 24/10/2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Trong buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: i) Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; ii) Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tại phiên thảo luận đã có 42 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cho rằng nội dung các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, phản ánh toàn diện kết quả các mặt công tác của ngành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về nội dung cụ thể như sau:
i) Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2021 và dự báo thời gian tới; việc chấp hành pháp luật trong công tác xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, tội phạm giết người, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm về môi trường và các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đánh giá kết quả công tác điều tra các vụ án hình sự; việc chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong công tác điều tra; những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và những nguyên nhân, giải pháp khắc phục về công tác này trong thời gian tới.
ii) Về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân: Các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc đánh giá công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự; về chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính; công tác kiểm sát thi hành án; về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; về những kết quả đạt được của ngành kiểm sát trong thời gian qua và những hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
iii) Về công tác của ngành Tòa án nhân dân: Các ý kiến đại biểu tập trung đánh giá về công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự; công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của TAND các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các tòa án và giảm tỷ lệ hủy, sửa các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính vì những nguyên nhân chủ quan,...
iv) Về công tác thi hành án: Các đại biểu tập trung đánh giá công tác chỉ đạo, phối hợp thi hành án, nhất là thi hành các vụ án phức tạp; những bất cập trong công tác thi hành án tử hình; công tác cưỡng chế thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án; tình hình vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án; nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng đối với các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, lĩnh vực kinh tế, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết như thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; sớm nghiên cứu, sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp ủy thác xử lý tài sản khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để rút ngắn thời gian và xử lý hiệu quả tài sản thi hành án.
v)Về công tác phòng, chống tham nhũng: Các ý kiến đại biểu tập trung đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng.
vi) Về dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến: Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các điều kiện, nguồn lực đảm bảo tổ chức phiên tòa trực tuyến; thẩm quyền ban hành Nghị quyết; căn cứ ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn; đồng thời, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ về phạm vi áp dụng; cần áp dụng thí điểm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trong 03 năm, sau đó báo cáo Quốc hội về kết quả thí điểm, xây dựng lộ trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong công tác xét xử.
Trong quá trình thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu tài liệu.