A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và ngân sách Nhà nước

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tham gia thảo luận tại tổ.

Tổ số 3 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ, công phu, trách nhiệm, đánh giá khách quan, thẳng thắn, thực hiện đúng phương châm mà Tổng Bí thư đã nêu là không tô hồng cũng không bôi đen mà nhìn thẳng vào thực tiễn.

Thảo luận tại Tổ 03 về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và ngân sách nhà nước

Các đại biểu quan tâm đến chiến lược phòng chống dịch bệnh và chương trình phục hồi kinh tế được thiết lập làm sao bảo đảm hiệu quả, với quan điểm là không nóng vội, chủ quan, tránh tình trạng chuyển từ cực này sang cực khác, cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại; nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vaccine và 5K cùng với ứng dụng công nghệ thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Các đại biểu đề nghị cần phải chú trọng đánh giá kỹ hơn một số mặt về nhận thức, bên cạnh việc coi COVID-19 là thách thức khó khăn nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số; đánh giá kỹ hơn những mặt được, tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực thực hiện, kỷ luật, kỷ cương, công tác thông tin truyền thông và đánh giá tác động sâu hơn đối với lĩnh vực xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hải Phòng cùng tham gia thảo luận của Tổ

Để thực hiện thắng lợi chiến lược phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế cần chú trọng đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế, thông tin dữ liệu khách quan, đầy đủ, chú trọng vấn đề dự báo tình hình dịch bệnh, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước trong thời gian tới, nhận định khó khăn, cơ hội và các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích phát triển kinh tế với quy mô các gói hỗ trợ đủ lớn và có lộ trình phù hợp, tập trung vào đúng điểm đến để phát huy cao nhất hiệu quả, tạo cơ sở cho các lĩnh vực khác phát triển, có tác động lan tỏa. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, chú trọng phát huy nội lực.

Về giải pháp mang tính chiến lược, các đại biểu nhấn mạnh phòng, chống dịch bệnh gắn liền với phát triển kinh tế và an sinh xã hội và phòng chống thiên tai; lưu ý bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh lâu dài. Cùng với đó cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển bởi qua thực tiễn phòng, chống COVID-19 cho thấy tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nên hết sức chú trọng vấn đề này, đánh giá đúng tình hình và chủ động các phương án.

Đại biểu lưu ý còn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, đại biểu cho rằng, cuộc chiến giữ được trạng thái bình thường mới sẽ không dễ dàng nếu có sự chủ quan. Đại biểu đồng tình và đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ đề ra và những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và đề nghị cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp này. Đồng thời nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch bệnh khâu dự báo là rất quan trọng do đó cần có dự báo chính xác tình hình, đẩy mạnh sự tham gia của khoa học, công nghệ; đề cao mức độ tuân thủ của xã hội, tránh chủ quan và có chế tài xử lý vi phạm; bên cạnh phủ rộng tiêm vaccine cũng cần quan tâm đến tìm kiếm nguồn thuốc chữa, nghiên cứu sản xuất thuốc chữa COVID-19. Trong phương hướng phát triển kinh tế năm 2022 cần quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, chú trọng đến các biện pháp để phát triển bền vững như khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên; cần nhận diện và có tính toán thêm các chỉ số phản ánh đúng sức khỏe thực chất của nền kinh tế bên cạnh chỉ số GDP.

Đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri và tiếp nhận các ý kiến đánh giá cho thấy trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cơ bản đạt kết quả tích cực. Đến nay tình hình cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước giảm ca mắc và tỉ lệ tử vong, kinh tế - xã hội dần phục hồi. Đại biểu khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Đại biểu nêu rõ, trong hoạt động của Quốc hội, đã có những quyết sách hết sức mạnh mẽ, chưa từng có ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành Nghị quyết để giao cho Chính phủ được thực hiện các biện pháp chủ động, linh hoạt, chưa từng có tiền lệ trong phòng, chống dịch bệnh.

Đại biểu cũng ghi nhận trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành các phiên họp bất thường để xem xét ban hành các Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành một số quy định khác với quy định của luật hiện hành nhằm phòng, chống dịch bệnh; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động và mới đây nhất là chính sách miễn giảm thuế. Điều này thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ, với đất nước để ban hành kịp thời giải quyết ngay những vấn đề cuộc sống.

Cùng với đó các cơ quan tư pháp cũng đã có những biện pháp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh như Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nghị quyết hướng dẫn xét xử đối với 10 tội cụ thể liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chưa bao giờ công tác xử lý các vụ án liên quan đến đến phòng, chống dịch bệnh lại được giải quyết khẩn trương nhanh chóng như vậy.

Tại phiên thảo luận Tổ 2, đa số các ý kiến thống nhất cao với Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đánh giá về tình hình thực hiện NSNN năm 2021, các ý kiến nhận định, năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. UBTVQH đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân. Tổng số thu cân đối NSNN năm 2021 ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán.

Các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 2

Góp ý vào nội dung thảo luận ở Tổ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tập trung đề cập về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, Chủ tịch nước thường xuyên trao đổi, gặp gỡ Thủ tướng, phối hợp tốt để tìm ra các giải pháp phòng dịch, vì nhân dân, phục vụ tốt cho nhân dân. Nhìn chung có được kết quả này là nhờ sự thống nhất lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, nhất là đội ngũ y tế xông pha tuyến đầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, đối với các bệnh truyền nhiễm vẫn không được chủ quan, không được đơn giản hóa, cần tiếp tục thực hiện tốt 5K và tiêm chủng vaccine toàn dân. Đồng thời tiếp tục đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết, kịp thời và rốt ráo hơn nữa, đất nước không thể đóng cửa mãi, cần phải mở cửa để phục hồi kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, Quốc hội và Chính phủ cùng chung sức đồng lòng, nhất là đội ngũ y tế. Chủ tịch nước cũng ghi nhận sự cố gắng nỗ lực, hy sinh của tuyến đầu chống dịch.

Về kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có chương trình tái thiết Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt hơn, chúng ta có cơ sở và có niềm tin phát triển đất nước sau đại dịch. Năm 2022 phấn đấu đạt 6,5%GDP bởi người Việt Nam cần cù, năng động, sáng tạo, quyết tâm phục hồi kinh tế - xã hội và vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.

Về cải cách chính sách tiền lương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nâng lương một bước cho những người về hưu trước năm 1995, cần có nguồn lực để thực hiện cải cách này. Chủ tịch nước cho rằng không nên để kéo dài, lùi thời hạn cải cách quá lâu mà cần tính toán để tiếp tục cải cách tiền lương, từ đó động viên đời sống, giải quyết nhu cầu của người dân. Cải cách tiền lương phải trên cơ sở có nguồn thu, đề nghị Chính phủ cần xem xét phương án sao cho hợp lý.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc góp ý tại phiên thảo luận ở Tổ 02

Tại phiên thảo luận Tổ số 5: Nhiều đại biểu đánh giá, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn. Công tác phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt, toàn diện, kịp thời. Đã thực hiện cơ cấu lại, gia hạn nợ, miễn, giảm lãi suất tín dụng; miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm giá, tiền điện, cước viễn thông, giá nước sạch...; hỗ trợ trực tiếp tiền, gạo, thực phẩm cho người dân, người lao động. Các đại biểu cho rằng, từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới.

Các đại biểu thảo luận ở Tổ số 05

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn; kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều; triển vọng phục hồi kinh tế trong nước được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro như: giá cả hàng hóa gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước..., đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần bám sát vào một số trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các phương án phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Tổ 05 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận.

Tại phiên thảo luận của Tổ 6, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Dự báo tình hình quốc tế và trong nước; Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 2022; Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phòng, chống dịch năm 2022;…

Tổ 6 gồm các ĐBQH ở trung ương, ĐBQH chuyên trách thuộc 7 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Qua thảo luận, đa số ý kiến phát biểu đều đồng tình cao với nhiều nội dung trong báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo được thực hiện công phu, chi tiết đồng thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế cũng như đề xuất các nhóm giải pháp toàn diện để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế -xã hội.

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến về Báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 -2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương)./.


Tác giả: An Châu
Nguồn:quochoi.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website