A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nghiệp hỗ trợ trong mối tương quan với ngành công nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT), theo định nghĩa tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”. 

Với cách hiểu CNHT ở Việt Nam hiện nay thì CNHT cho ngành công nghiệp ô tô được hiểu là hệ thống các cơ sở sản xuất và công nghệ sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô.

Ô tô là một sản phẩm thông dụng của xã hội hiện đại, đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người là đi lại và vận tải hàng hóa, có cấu tạo khá phức tạp. Để sản xuất một chiếc ô tô cần hàng chục nghìn loại chi tiết, linh kiện khác nhau. Theo các chuyên gia kỹ thuật, các loại chi tiết linh kiện của ô tô có thể lên tới từ 20.000 – 30.000 và có thể sẽ tiếp tục tăng lên cùng với những tiến bộ khoa học công nghệ mới. Ngoài những điểm chung của CNHT, CNHT cho ngành công nghiệp ô tô có những đặc điểm riêng biệt:

- Sản xuất của CNHT ngành ô tô là ngành thứ phát, bởi cầu của các doanh nghiệp trong việc sản xuất ra loại sản phẩm này không phải là để cung ra thị trường sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, mà là sản phẩm trung gian, là những yếu tố đầu vào cho việc sản xuất, lắp ráp sản phẩm chính yếu cuối cùng là ô tô. Với đặc điểm này, quy mô và cơ cấu sản xuất của CNHT ngành ô tô phụ thuộc trực tiếp vào nhu cầu của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và quốc tế. Trong điều kiện hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại, nhu cầu nội địa hóa sản phẩm ô tô của một quốc gia cũng tác động quyết định đến quy mô, cơ cấu sản xuất của CNHT ngành này ở quốc gia đó. 

Cũng với đặc điểm này, việc sản xuất của CNHT ngành ô tô cũng không còn chỉ đơn thuần dựa vào quyết định lựa chọn của các doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào những quyết sách mang tính chiến lược của quốc gia. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc đưa ra các chiến lược nội địa hóa sản phẩm ô tô, chiến lược phát triển CNHT không chỉ đáp ứng yêu cầu sản xuất ô tô trong nước mà còn hướng vào xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của loại sản phẩm hỗ trợ này để thâm nhập vào thị trường quốc tế.

- Do là ngành cung cấp yếu tố đầu vào cho sản xuất sản phẩm cuối cùng là ô tô, khác với CNHT của nhiều ngành khác, CNHT ngành ô tô có sự tham gia của rất nhiều phân ngành, bao gồm các nhóm phân ngành, như sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện nhựa, cao su, linh kiện điện - điện tử, phụ tùng linh kiện kim loại, các ngành hóa chất, dệt may...Trong hoạt động, các phân ngành sản xuất này là độc lập, nhưng chúng có quan hệ kỹ thuật chặt chẽ với nhau và đều hướng vào phục vụ công nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng là ô tô. 

- CNHT cho ngành công nghiệp ô tô có tính đa cấp. Các doanh nghiệp tham gia CNHT cho ngành công nghiệp ô tô nằm ở các vị trí khác nhau trong toàn bộ chuỗi sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh. Thông thường đứng đầu trong chuỗi là các hãng ô tô lớn trên thế giới đóng vai trò là doanh nghiệp đầu tàu, tập trung bên dưới là rất nhiều doanh nghiệp CNHT. Cấp tiếp theo là những doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô được hãng bảo trợ và cung cấp tất cả những yêu cầu cơ bản nhất để tạo ra những chi tiết đặc trưng nhất cho sản phẩm lắp ráp. Tầng này hiện nay chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp lớn ở các cường quốc sản xuất ô tô chuyên sản xuất những chi tiết, linh kiện đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, hoặc tinh vi chính xác. Các cấp còn lại bao gồm các doanh nghiệp CNHT sản xuất chi tiết, linh kiện bán trên thị trường hoặc tham gia trong hợp đồng cung cấp dài hạn cho các doanh nghiệp ở cấp cao hơn.

Nhìn chung, trong các chuỗi sản xuất ô tô, càng ở các cấp dưới thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp càng nhỏ, sản xuất mang tính chuyên môn hóa càng cao, chủng loại sản phẩm ít, thường đi sâu vào một hoặc số chi tiết linh kiện nhất định.

- Tính liên kết theo quá trình sản xuất của CNHT ngành ô tô đã làm xuất hiện tính liên kết theo khu vực để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động (chuỗi giá trị khu vực). Sự phân bố doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô về không gian có thể diễn ra theo quy luật của thị trường theo quy luật chi phí sản xuất thấp nhất, thời gian giao hàng nhanh nhất và trên hết là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Mặc dù sự phát triển của thế giới hiện đại đã giúp giảm dần sự phụ thuộc của các doanh nghiệp CNHT về mặt địa lý, song việc tập trung các doanh nghiệp CNHT của một mạng sản xuất ô tô vào cùng một khu vực địa lý nhất định vẫn có ý nghĩa rất lớn bởi điều đó có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển; thuận lợi trong việc sử dụng các hoạt động hậu cần, thông tin.

- CNHT cho ngành ô tô có sự đa dạng về công nghệ và trình độ công nghệ. CNHT cho ngành công nghiệp ô tô không phải là một ngành mà là một tập hợp các lĩnh vực hoạt động thuộc các ngành công nghiệp khác nhau sản xuất ra rất nhiều loại chi tiết, linh kiện hết sức phong phú, đa dạng nên công nghệ sản xuất các chi tiết, linh kiện đó cũng khác nhau và ở những trình độ khác nhau ở các ngành khác nhau như cơ khí, điện, điện tử, cao su, chất dẻo… Công nghệ sản xuất khác nhau dẫn đến các quá trình sản xuất rất khác nhau, nguồn nguyên liệu khác nhau và do đó giá trị gia tăng của quá trình sản xuất các chi tiết, linh kiện cũng rất khác nhau. 

Đối với những loại linh kiện đòi hỏi công nghệ sản xuất đơn giản, kỹ thuật không quá khó, giá trị gia tăng tạo ra ở mức nhất định, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có khả năng sản xuất cung ứng đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp. Còn với những loại sản phẩm, chi tiết, linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất phức tạp, tinh xảo, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp nhưng giá trị gia tăng tạo ra rất cao lại thường do các doanh nghiệp lớn hơn, có trình độ công nghệ cao và thậm chí phải được chia sẻ bí quyết, bản quyền công nghệ từ chính hãng sản xuất ô tô mới có đủ khả năng cung ứng. 

Thực tế hiện nay việc sản xuất những loại chi tiết, linh kiện có giá trị gia tăng cao phần lớn do các doanh nghiệp ở các nước phát triển nắm giữ.
Đặc điểm này cho thấy, một quốc gia cụ thể cần lựa chọn chiến lược phát triển với cơ cấu sản phẩm CNHT thích hợp với trình độ phát triển của quốc gia trong từng giai đoạn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- CNHT cho ngành ô tô thường thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu như các doanh nghiệp đóng vai trò là những nhà sản xuất cung cấp ô tô hoàn chỉnh ra thị trường thường là các hãng ô tô nước ngoài có quy mô sản xuất lớn, có uy tín, tên tuổi trên thị trường thì ngược lại phần lớn các doanh nghiệp CNHT cho ngành công nghiệp ô tô lại là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc nhiều ngành chuyên môn hóa sâu khác nhau, nằm ở các cấp khác nhau trong mạng lưới sản xuất ô tô. 

Từ đặc điểm này cho thấy, với các quốc gia đang phát triển, khi phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nếu có chính sách và chiến lược phát triển hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hay mạng sản xuất của các công ty ô tô lớn trên thế giới để từ đó tiếp nhận và thực hiện chuyển giao công nghệ nước ngoài, thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô, nâng cao khả năng sản xuất của bản thân từng doanh nghiệp và của cả quốc gia.


Tác giả: Đức Toàn

Tin liên quan

Tin nổi bật

Liên kết website