Địa phương cần chung tay thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã đi đầu, xây dựng mạng lưới nhân lực để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để có thể triển khai rộng rãi, lan tỏa trong cộng đồng 4.840 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nếu không có sự chung tay của các địa phương?
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong thời gian vừa qua, một trong những biện pháp được Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đẩy mạnh triển khai nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNHT là hoạt động cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động cải tiến này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và hướng tới sự phát triển bền vững.
Không ngừng cải tiến – Con đường hình thành và phát triển chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước
Điều các doanh nghiệp FDI quan tâm khi lựa chọn nhà cung ứng là quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra phải được chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu trong thời gian dài. Do đó, các hoạt động cải tiến sản xuất và chất lượng cần phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đây được coi là biện pháp nhằm tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Xuất phát điểm là chương trình thường niên từ năm 2015 của Samsung Việt Nam, để nhân rộng hiệu quả của chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp, trong 03 năm vừa qua (2018 – 2020), Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung Việt Nam đào tạo 327 tư vấn viên trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng. Đội ngũ tư vấn viên cũng trở thành nguồn nhân lực then chốt trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo, giúp chương trình tư vấn doanh nghiệp được triển khai ở quy mô lớn hơn tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, trong 02 năm (2019 – 2020), Cục Công nghiệp phối hợp với Samsung Việt Nam và đội ngũ tư vấn viên để tiến hành cải tiến sản xuất và chất lượng cho 140 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cả nước. Con số này dự kiến sự tăng lên 270 doanh nghiệp đến cuối năm 2021. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực như: tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho, nâng cao nhận thức,... tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các doanh nghiệp.
Một số kết quả điển hình tại các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Công ty cổ phần nhựa Zion, hoạt động trong lĩnh vực ép nhựa, hiện đang cung cấp sản phẩm cho không chỉ các doanh nghiệp FDI trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Sau cải tiến, công ty đã tăng 15% hiệu suất sử dụng thiết bị, tăng 42% năng suất lao động, giảm 46% tỷ lệ lỗi công đoạn, giảm 67% thời gian thay khuôn.
- Công ty TNHH Trần Thành, một trong các công ty sản xuất bao bì carton lớn lại khu vực phía Bắc, hiện đang cung cấp sản phẩm cho nhà máy SEV. Sau cải tiến đã tăng 18% năng suất lao động, giảm 35% tỷ lệ lỗi trung bình các công đoạn, tối ưu hóa giảm 50% quãng đường di chuyển nội bộ sản xuất.
- Công ty Smart Tech Vina đang là vendor cấp 1 của nhà máy SEV (Samsung), cung cấp các vật tư jig và cơ khí chính xác. Sau cải tiến đã tăng 30% hiệu suất thiết bị, đánh giá hiệu quả quản lý chất lượng tăng 11%, tối ưu 37% diện tích sử dụng nhà xưởng.
- Công ty cổ phần chế tạo máy Autotech Vietnam hiện là một trong các nhà cung cấp máy tự động hóa lớn cho nhà máy SDV, sau cải tiến đã giảm 34% lỗi công đoạn, tăng 80% diện tích sử dụng hữu ích, giảm 32% diện tích kho, giảm 30% chi phí điện năng sử dụng.
- Công ty JAT chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí đột dập, hiện đang là nhà cung cấp cho rất nhiều các công ty ô tô, xe máy lớn tại VN, sau khi tham gia chương trình cải tiến đã tăng 21% năng suất lao động, giảm 71% lỗi công đoạn, giảm 36% thời gian thay khuôn.
- Công ty TC Electronics, một doanh nghiệp trẻ đang hoạt động tại khu công nghệ cao Sài Gòn chuyên cung cấp và gia công bản mạch cho các thương hiệu lớn của Mỹ và Châu Âu, sau cải tiến đã tăng 62% hiệu suất thiết bị, giảm 81% tỷ lệ lỗi công đoạn, tiêu chuẩn hóa khu vực sản xuất để giảm 80% quãng đường vận chuyển nội bộ.
- Công ty Thái Dương hiện là một trong những nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm ép nhựa chuyên dùng cho ngành thực phẩm tại VN, sau cải tiến đã giảm được 45% thời gian lãng phí trong sản xuất, giảm 61% tỷ lệ lỗi công đoạn và 50% khiếu nại khách hàng, tối ưu hóa 24% diện tích sử dụng kho bãi.
- Công ty Liksin cũng là một trong các nhà cung cấp giải pháp in ấn lớn nhất cho ngành hàng tiêu dùng, sau cải tiến đã giảm 30% thời gian thay đổi mã hàng, tăng 69% năng suất lao động, giảm 67% lỗi in công đoạn và 84% khiếu nại khách hàng, giảm 30% vật tư tồn kho sản xuất.
- Công ty Liên Vinh hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chuyên sản xuất phụ tùng cho các loại xe môtô, sau khi tham gia cải tiến đã thay đổi bộ mặt của nhà máy sản xuất, năng suất lao động bình quân toàn nhà máy tăng tới 40%, giảm 48% tỷ lệ lỗi công đoạn, giảm 35% thời gian giao hàng cho khách hàng.
- Công ty bao bì Phú Ân cũng là nhà cung cấp giải pháp in ấn cho các sản phẩm tiêu dùng, sau cải tiến đã tăng 42% sản lượng sản xuất, giảm 20% lỗi công đoạn, giảm 35% lỗi khách hàng phản hồi, giảm 50% chi phí vật tư đầu vào sản xuất.
Phải mất gần 50 năm để Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) có thể hỗ trợ, tư vấn hết cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Rõ ràng việc thực hiện, duy trì và phát triển các hoạt động cải tiến đã đem lại nhiều hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và có khả năng mở rộng sản xuất, kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, thời gian qua, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) không thể triển khai chương trình trên diện rộng, mang tính lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 4.840 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày.
Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, trung bình một năm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ có thể tiến hành hỗ trợ, tư vấn khoảng 100 doanh nghiệp trên cả nước. Như vậy, phải mất ít nhất hơn 48 năm để Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) có thể tư vấn, hỗ trợ hết 4.840 doanh nghiệp nêu trên. Chưa kể đến, cải tiến là một quá trình liên tục, các doanh nghiệp cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để duy trì và phát triển các thành quả, triển khai hệ thống quản lý chất lượng chuyên nghiệp.
Vai trò quan trọng của địa phương
Để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, ngoài sự cố gắng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Trung ương thì vai trò của các địa phương là rất quan trọng và thiết thực.
Đây cũng là định hướng của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) khi triển khai các chương trình cải tiến thí điểm trong thời gian vừa qua. Trung ương đi trước, xây dựng mô hình mẫu để từ đó các địa phương có thể tham khảo, triển khai cải tiến và đổi mới một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, đến nay, việc các địa phương xây dựng chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đầu tư nguồn lực trên địa bàn vẫn còn rất hạn chế. Nhận thức của nhiều cơ quan địa phương trong việc cân đối, bố trí nguồn lực phát triển còn mang tính ngắn hạn, chưa tuân thủ hoàn toàn các định hướng phát triển dài hạn của Đảng và Nhà nước.
Đơn cử đối với chương trình cải tiến doanh nghiệp, đến nay, mới chỉ có 02 địa phương là Hải Dương và Bắc Ninh đã và đang chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Samsung Việt Nam triển khai trên toàn địa bàn của 02 tỉnh.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết “Đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng. Tôi thấy rằng không chỉ các doanh nghiệp tại Bắc Ninh mà các doanh nghiệp khác trên cả nước cũng nên tham khảo để triển khai hiệu quả mô hình này.”
Đồng quan điểm trên, thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình cải tiến, Bộ Công Thương kỳ vọng các cơ quan chính quyền địa phương có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, có sự phân bổ nguồn lực tương xứng, bắt đầu từ việc cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu.