Dư địa để ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện đang hấp dẫn, thu hút nguồn vốn FDI lớn. Tuy nhiên, cần chính sách mạnh hơn để khối doanh nghiệp này bứt phá.
Tích cực đổi mới, sáng tạo
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó, đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đơn cử như Tập đoàn Thaco Trường Hải, từ nhiều năm qua, không ít dòng xe du lịch của công ty đã có tỷ lệ nội địa hoá từ 30-40%, và tăng dần khi doanh số bán ra nhiều hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hoá của dòng xe buýt còn cao hơn rất nhiều, với nhiều thiết bị cơ khí tự sản xuất... Trong năm 2023, doanh số xuất khẩu mặt hàng này dự tính mang về cho Thaco hàng trăm triệu USD.
Hay như Toyota Việt Nam, với cam kết phát triển sản xuất trong nước cùng với chiến lược nội địa hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của xe trong nước so với xe nhập khẩu, Toyota Việt Nam đã triển khai hoạt động hỗ trợ nhà cung cấp nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh.
Đến nay, hầu hết các xe của Toyota đều đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, riêng dòng xe chủ lực Vios đạt tỷ lệ nội địa hoá lên tới 43% nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa thực sự phát triển hết tiềm năng. Tham gia lĩnh vực này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn… Bên cạnh đó, thị trường CNHT của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chưa thu hút các doanh nghiệp đối tác. Chính vì thế, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam còn nhiều khó khăn.
“Mảnh đất” phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ . Đây là con số quá thấp khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Như vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất cần phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với quy mô lớn hơn, bao trùm hơn. Điều đó cho thấy, “mảnh đất” công nghiệp hỗ trợ còn quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong khi đó, hiện nay, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ và cơ khí, còn những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp… thì chưa được đầu tư để có được những nhà máy công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu này.
Để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện Bộ đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải cho biết, hiện chúng ta có 3 lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ , đó là lực kéo của thị trường, lực đẩy của khoa học công nghệ và lực nâng của chính sách. Chính sách nhà nước cần phải cụ thể hơn, gắn bó mật thiết với các doanh nghiệp như các gói ưu đãi về thuế, đầu tư các khu công nghiệp chuyên ngành và giá trị lớn hay như những doanh nghiệp xuất khẩu phải có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể hội nhập và vươn ra thế giới…
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết "bài toán gốc" là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học-công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Dư địa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn rất lớn, vấn đề đặt ra là cần khơi thông các chính sách để thu hút đầu tư về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để “phủ đầy” những khoảng trống về công nghiệp hỗ trợ hiện nay. |